Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tính đến hết tháng 2, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ là do các doanh nghiệp gặp khó khăn, một số đơn vị chưa có ý thức chấp hành quy định về đóng các khoản bảo hiểm. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao.
|
|
Công khai 20 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỷ đồng |
“Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. Đặc biệt, các quy định về quản lý, xử lý nợ chưa có nên các doanh nghiệp chây ỳ,” ông Mai Đức Thắng nói.
Để giảm thiểu số nợ và quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Thực hiện việc thanh tra tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo.
|
|
Công khai 20 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỷ đồng |
Ông Thắng cho biết thêm, các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, tổ chức công đoàn nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này...
Đối với trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ bình xét hiệu quả công việc. Đặc biệt, hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.
“Cụ thể đến nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển một số hồ sơ của các đơn vị nợ lớn kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo trình tự của pháp luật. Ví dụ, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh chuyển một hồ sơ, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chuyển 9 hồ sơ của các đơn vị nợ kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật...” ông Mai Đức Thắng nói.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố 20 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội, trong đó có những doanh nghiệp có số tiền nợ bảo hiểm xã hội lên tới hàng chục tỷ đồng./.