leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các Chủ tịch CĐCS. Ảnh: Sơn Tùng 

Trò chuyện thân mật với các chủ tịch CĐCS xuất sắc, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ, hoạt động của Công đoàn Việt Nam thời gian gần đây đang có những đổi mới mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên, người lao động bị xâm phạm. Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang được hai bên tiếp tục triển khai bằng những việc làm cụ thể góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội của cả nước năm 2017.

Qua báo cáo của các chủ tịch CĐCS, Phó Thủ tướng Thường trực vui mừng vì tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó và sự gắn bó, quan tâm thiết thực đến đời sống của đoàn viên, người lao động của các đồng chí chủ tịch CĐCS. Những lợi ích thông qua thỏa ước lao động tập thể và đối thoại ước trị giá gần 3.000 tỷ đồng cho hơn 200.000 lao động tại 70 doanh nghiệp nơi các đồng chí chủ tịch CĐCS công tác là một con số hết sức ấn tượng. Những lợi ích mà người lao động được thụ hưởng là kết quả của quá trình lao động và đấu tranh kiên trì, bền bỉ, không ngại gian khổ, hy sinh của các chủ tịch CĐCS.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức tuyên dương các chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại của Tổng LĐLĐ Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Theo Phó Thủ tướng, hoạt động tuyên dương 70 chủ tịch CĐCS có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh tình hình thực tiễn quan hệ lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động của Chính phủ.

Đứng trước tình hình mới, nhất là việc tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tiêu chuẩn về lao động- công đoàn lao động Việt Nam, thì đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để thích ứng.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Thường nêu mấy vấn đề trọng tâm để các chủ tịch CĐCS suy nghĩ, bàn bạc và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, chính quyền các cấp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khoá X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Nghị định số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96-KL/TW của Ban Bí thư. Triển khai sâu rộng và tổ chức hiệu quả hơn nữa các chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động như: “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, hàng hoá và dịch vụ giảm giá… Đặc biệt là triển khai nhanh hơn nữa Đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động, nhất là vấn đề tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải; làm thêm giờ, điều kiện làm việc, đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện các chế độ đối với lao động nữ, lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại… Kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Sớm hình thành mạng lưới luật sư công đoàn để kịp thời tư vấn, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn.

Các cấp công đoàn quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐCS. Phải đổi mới công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ công đoàn. Đội ngũ cán bộ công đoàn trong tình hình mới của đất nước vừa phải là người làm tốt công tác vận động quần chúng, nhưng đồng thời phải là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, đối thoại, thương lượng và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

“Các đồng chí được tuyên dương hôm nay là những tấm gương rất xứng đáng để đông đảo cán bộ công đoàn noi theo, học tập, song tôi đề nghị các đồng chí không được bằng lòng, thỏa mãn, mà phải tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, bắt kịp sự chuyển động của nền kinh tế và thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam để làm tốt hơn chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, khi về địa phương, doanh nghiệp nơi làm việc, mỗi chủ tịch CĐCS phải tự lan tỏa thành tích của mình đến mọi người, nhất là các chủ tịch và cán bộ công đoàn khác noi theo. Thành tích của các đồng chí sau tuyên dương phải nhiều hơn, cao hơn thành tích trước khi tuyên dương.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Tổng Liên đoàn nghiên cứu đưa chương trình tuyên dương chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại thành hoạt động định kỳ. Đề xuất các trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Qua đó nhân rộng điển hình ra khắp cả nước để ngày càng có nhiều hơn chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu.

“Phát huy những thành tích rất đáng tự hào đã đạt được trong thời gian qua, với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, trong đó có 70 đồng chí được tuyên dương lần này, tôi tin tưởng chắc chắn rằng các cấp công đoàn trong thời gian tới sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, tổ chức thành công đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, tham gia có hiệu quả xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu.

Nguyễn Lê