Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông báo số 1229/TB-LĐTBXH ngày 7/4/2023 thông báo đến các ngành, các địa phương về tình hình tai nạn lao động năm 2022 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2023.

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021) làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 720 vụ, giảm 29 vụ tương ứng 3,87% so với năm 2021 (trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 568 vụ, giảm 6 vụ tương ứng với 1,05% so với năm 2021; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động là 152 vụ, giảm 23 vụ tương ứng với 13,14% so với năm 2021).

leftcenterrightdel
 Hiện trường nơi xảy ra vụ sập tường khiến 10 người chết tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh minh hoạ)

Số người chết vì tai nạn lao động là 754 người, giảm 32 người tương ứng 4,07% so với năm 2021 (trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 595 người, giảm 7 người tương ứng với 1,16% so với năm 2021; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động là 159 người, giảm 25 người tương ứng với 13,58% so với năm 2021).

Số người bị thương nặng là 1.647 người, tăng 162 người tương ứng với 10,9% so với năm 2021 (trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 1.466 người, tăng 240 người tương ứng với 19,6% so với năm 2021; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là 181 người, giảm 78 người tương ứng với 30,11% so với năm 2021).

Đáng chú ý, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm làm chết người và bị thương nhiều người xảy ra tại các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận, xảy ra trong các lĩnh vực như: Xây dựng, điện, dịch vụ, khai thác khoáng sản.

Một trong số những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành cần chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy…

 
P.V