(BVPL) - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010). Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh đã thành lập và đang hoạt động 09/16 khu bảo tồn biển. Các khu bảo tồn biển này đang thực hiện rất hiệu quả và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và quan tâm giúp đỡ.

 


Thực tiễn chứng minh trong lĩnh vực thủy sản không có kiểu loại “khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên”, đây là điểm khác biệt so với Luật Đa dạng sinh học. Mặt khác, bảo tồn thủy sản mang tính chất chuyên ngành nên cần có những người phải thật sự am hiểu về chuyên ngành thủy sản, về nguồn lợi thủy sản mới có thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác này.

Về kinh nghiệm quốc tế: Nhu cầu xây dựng khu bảo tồn biển được đặt ra ngay từ đầu năm 1960. Yêu cầu bảo vệ vùng biển và ven biển đã được đưa ra xem xét tại Hội nghị quốc tế về Vườn Quốc gia năm 1962. Năm 1975, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tổ chức Hội nghị về các MPAs ở Tokyo và kêu gọi thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển cho các hệ sinh thái biển trên toàn thế giới. Năm 1983, trong Hội nghị lần thứ nhất ở Minsk (Liên Xô cũ) về các khu dự trữ thiên nhiên đã đưa ra quan niệm về Khu dự trữ thiên nhiên biển đa chức năng. Có thể coi đây là một tiến bộ lớn đối với các quan niệm về khu bảo tồn biển.

Tính đến năm 1970 đã có 118 khu bảo tồn biển ở 27 nước. Đến năm 1985 đã có 470 khu bảo tồn biển ở 69 nước và 298 khu đang được đề nghị. Mười năm sau, trên toàn thế giới đã thống kê được 1.306 khu bảo tồn biển, phân bố trong 18 vùng địa sinh vật biển (Biogeography region), trong đó Việt Nam nằm ở vùng biển Đông Á. Trong số 1.306 khu bảo tồn biển đã thống kê, có 640 khu bảo tồn biển được xác định là ưu tiên quốc gia về mặt bảo tồn đa dạng sinh học. Đến năm 2004 đã có 4.526 khu bảo tồn biển được đề xuất trên toàn thế giới (S.Wells, J. Day, 2004).

Tại khu vực Đông Á, theo tài liệu thống kê năm 1995, vùng biển Đông Á đã có 92 khu bảo tồn biển, chiếm 7% tổng số khu bảo tồn biển trên thế giới. Đến năm 2002 đã có 310 các khu bảo tồn biển và ven biển. Các nước Đông Nam Á có số lượng các khu bảo tồn biển và ven biển đứng đầu là Philippines (180), tiếp đến là Malaysia (40), Indonesia (29) và Thái Lan (23), Việt Nam đề xuất 16 khu bảo tồn biển. Trong khu vực, hầu hết các khu bảo tồn biển đều được xây dựng ở ven các đảo, đôi khi là phần biển của các khu bảo tồn trên đảo và dưới biển tách biệt khỏi đảo hoặc đất liền.

Thực tế, hoạt động bảo vệ, tái tạo, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đều gắn liền với địa phương và các cộng đồng dân cư nên rất cần các nguồn tài chính từ xã hội hóa phục vụ thiết thực cho địa phương, cho cộng đồng để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thủy sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản luôn phải gắn liền với cuộc sống, sản xuất của cộng đồng, phải dựa vào cộng đồng mới có thể quản lý hiệu quả. Mặt khác, việc khắc phục sự cố môi trường, hỗ trợ khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thì địa phương là nơi trực tiếp triển khai thực hiện và chỉ có địa phương thực hiện là thuận lợi, đạt hiệu quả tốt nhất.

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân muốn được tham gia tái tạo nguồn lợi thông qua việc ủng hộ, từ thiện và điều này chỉ thực hiện thuận lợi khi có Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh. Qua thực tế khảo sát các dự án bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vào tháng 5/2016 tại 2 tỉnh Bình Thuận và Thừa Thiên - Huế, kết quả triển khai dự án phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng. 100% cán bộ quản lý ngành Thủy sản tại địa phương, 100% thành viên tham gia cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đều cho rằng, cần có tổ chức Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh và tại các cộng đồng ngư dân. Do đó, nếu chỉ có Quỹ ở Trung ương thì rất khó khăn khi triển khai các hoạt động, nhiệm vụ của Quỹ tại các tỉnh, huyện, xã/phường, thôn/bản trong cả nước. Các tổ chức Quỹ này không là các đơn vị cấp trên, cấp dưới theo mô hình tổ chức hành chính, mà hoàn toàn độc lập nhau về tổ chức, nhân sự, tài chính. Mối quan hệ công tác là hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, cùng sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính theo các dự án, cơ chế tài chính và các hoạt động tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trên thực tế tại bốn tỉnh miền Trung xảy ra sự cố môi trường trong thời gian vừa qua nếu có Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh sẽ rất thuận lợi cho việc khắc phục hậu quả, triển khai bồi thường thiệt hại cho người dân, triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, tái cơ cấu sản xuất...trên địa bàn tỉnh, thành phố và sẽ giảm rất nhiều nguồn lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua.
 

Xuân Hưng

.