Trang phục cung đình triều Nguyễn mặc dù rất đa dạng và phong phú với xiêm, áo, quần, mão, hia, hài, nhưng tất cả phải tuân theo một trật tự đẳng cấp: từ vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, đến quan binh đều được phân loại theo từng chức năng rõ ràng.

leftcenterrightdel
 Long Bào

Trang phục thiết đại triều, trang phục thiết thường triều, trang phục tế Nam Giao, trang phục lễ tịch điền và thường phục đều có những qui định khác nhau. Không chỉ có tên gọi, mỗi loại trang phục còn có kiểu dáng riêng, màu sắc và hoa văn trang trí khác nhau.

leftcenterrightdel
 Hoàng bào Hoàng Hậu

Chẳng hạn, trang phục thiết đại triều của vua, mũ gọi là cửu long, áo gọi là hoàng bào, trang trí hình rồng mặt hổ phù, hài màu đen thêu rồng có nạm vàng; trang phục thiết thường triều của vua, mũ gọi là bình thiên, áo gọi là bào, thêu hình viên long (rồng cuộn tròn) nạm trân châu; trang phục tế giao của vua, mũ gọi là miện, áo gọi là cổn, thêu lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu mặt trời) dọc hai thân trước; áo lễ tịch điền của vua có màu hỏa hoàng (màu cam vàng) thêu viên long…

leftcenterrightdel
 Mệnh phụ Hoàng Thái Hậu

Chất liệu các loại vải dùng để may áo mũ cho vua chúa, hoàng thân quốc thích đều là cao cấp. Triều đình thường đặt mua ở Trung Hoa hay các hộ dệt lụa vải riêng biệt cho cung đình các loại gấm vóc, sa nam, nhiễu lụa... Nhiều làng nghề truyền thống ở Việt Nam cũng tiến nộp các mặt hàng dệt chất lượng cao thay cho tiền thuế. Các loại vải thường dùng để may áo mũ cho đế hậu là sa (để may áo bào), đoạn (may thường phục), tơ (để trang trí, may bít tất), lụa (may áo thường triều, khăn choàng)... 

leftcenterrightdel
 Mệnh phụ Công chúa

  Về đề tài trang trí, sự phân chia thứ bậc theo chủ đề cũng được tuân thủ rất nghiêm ngặt. Áo vua trang trí rồng, áo hoàng tử trang trí lân, áo hoàng hậu, công chúa thêu hoa và chim phượng. Mũ đại triều của vua có chín rồng hướng thiên bằng vàng; mũ hoàng hậu có chín con rồng, chín con phượng; mũ hoàng thái hậu chỉ thêu chín con phượng; mũ của cung giai thì tùy theo thứ bậc mà có từ một đến bảy chim phượng...

leftcenterrightdel
 Áo giao tế

Cũng là đề tài rồng nhưng rồng trên áo vua thì có năm móng, rồng trên áo thái tử cũng có năm móng nhưng chỉ là rồng mặt nạ, không được trang trí phi long hay hồi long chầu nhật... Nếu trên áo vua, hoàng hậu trang trí những con rồng với dáng vẻ uy nghi, đường bệ thì trên áo mũ của hoàng thân, tôn tước chỉ là những con mãng, con giao (hóa thân ở thứ bậc thấp hơn của rồng).

leftcenterrightdel
 Đôi hia của Vua Khải Định

Trên áo mũ của hoàng thái hậu và hoàng hậu trang trí đồ án hoa đoàn phượng (là bông hoa tròn trong có hình hai con phượng), với những nét vẽ, đường thêu rất sống động, công phu, thì phượng hoàng trên áo của cung giai chỉ là những hình ảnh giản lược, cách điệu và số đồ trân châu đính kèm cũng ít hơn. Chỉ có trên áo vua, hậu người ta mới trang trí thêm các hoa văn tứ thời, bát bửu, còn trên áo mũ của vương tôn và cung giai, bát bửu được thay thế bằng những cổ đồ.

leftcenterrightdel
 Đôi hài của Vua Bảo Đại

Ngay cả chữ Hán trang trí trên áo mũ cũng có sự phân biệt. Áo vua thường trang trí nổi các chữ Phúc, Lộc, Thọ đại tự theo lối chân hoặc triện, trong khi đó các chữ Phúc, Lộc, Thọ trên áo phụ nữ thường nhỏ hơn và dệt chìm trên mặt vải, không nạm trân châu hay thêu kim tuyến như trên áo mũ của vua. 

leftcenterrightdel
 Vua Duy Tân trong trang phục Đại triều

Ngoài trang phục của vua chúa, hoàng thân quốc thích. Trang phục cung đình của quan viên dưới triều Nguyễn cũng được qui định rất chặt chẽ. Theo đó, vải của trang phục tùy theo cấp bậc của các quan. Hình thể các áo đều như nhau cho tất cả các quan. Ở phía sau có hai cánh cứng được kết vào bên này và bên kia lưng ở vị trí cao hơn đai bụng.

leftcenterrightdel
 Vua Bảo Đại trong trang phục Đại triều

Màu sắc cũng tùy theo cấp bậc của các quan; đó là các màu như: màu đồng, cổ đồng, xanh da trời (thiên thanh), đỏ ngã sang tím, lam đỏ, cam bích, quan lục, lam quí, lam đậm, bửu lam, xanh ngọc, ngọc lam. Áo của quan văn được thêu con hạc, áo quan võ được thêu con kỳ lân. Mũ của các quan được gọi là quan từ cấp một cho đến cấp bảy, về phía quan văn có đỉnh tròn được gọi là viên phát đầu, về phía quan võ có đỉnh vuông được gọi là phương phát đầu. Dưới mũ có một dãi có hai cái cài; dãi dùng để níu chặt đầu giữ vững búi tóc được gọi là vọng cân…

leftcenterrightdel
Một vị quan trong trang phục Đại triều 

Không chỉ quan viên, mà phẩm phục con của quan viên dưới triều Nguyễn cũng được triều đình qui định, như: Con các quan trên nhất phẩm và chánh nhất phẩm, văn đều dùng mũ Đông Pha, võ dùng mũ xuân thu, nạm toàn bằng bạc, trước và sau có một bông hoa, có hai con giao long; áo con các quan từ trên nhất phẩm đến tòng tam phẩm đều dùng áo bằng sa, đoạn kiểu giao lĩnh, màu lam, lục, biếc, đen, các màu này tùy dùng, không có bổ tử; hia, bít tất của con các quan từ trên nhất phẩm đến tòng nhị phẩm đều dùng hia vuông, mũi sắc đen, bít tất viền lụa màu… 

leftcenterrightdel
Các quan Đại thần Triều Đình 

Nhìn chung, trên phương diện mỹ thuật, mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hâu, thái tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, quan viên… dưới triều Nguyễn đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một minh chứng sinh động, giúp chúng ta có thể hiểu hơn về trình độ tay nghề, óc thẩm mỹ của các bậc nghệ nhân xưa. Đây là nét văn hóa độc đáo của vương triều Nguyễn - vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

leftcenterrightdel
Tái hiện trang phục cung nữ đi theo Hoàng hậu, hoàng phi hồi cung 
leftcenterrightdel
Tái hiện đám rước Hoàng hậu, hoàng phi trong trang phục Cung Đình hồi cung sau khi xem hát tại nhà hát Duyệt Thị Đường 

                                                                                                                                                                                                                Trọng Bình