“Vết dao ngược đêm trăng” của Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn giới thiệu đến bạn đọc tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) trong buổi Tọa đàm ngày 10/6 vừa qua, là một tiểu thuyết văn học hấp dẫn trong lĩnh vực tư pháp, cũng như với những người làm công tác điều tra, kiểm sát, xét xử án… và cả những ai muốn tìm hiểu đúng về pháp luật.
|
|
Các đại biểu tham dự Tọa đàm, giới thiệu cuốn tiểu thuyết " Vết dao ngược đêm trăng". |
Tiểu thuyết này là tác phẩm thứ 8 của Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu. Ông đã từng xuất bản các tác phẩm như: Một thời trận mạc; Theo dòng công lý; Tạ Đình Đề, những góc khuất; Từ cuộc chiến đến cuộc chiến…(Văn xuôi); Những đêm trắng mênh mang (Thơ)…
Tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” tái hiện cuộc đấu tranh cam go, khốc liệt giữa cái xấu và cái tốt, trắng và đen, chính nghĩa và phi nghĩa, cao thượng và thấp hèn. Vượt lên trên tất cả, tác phẩm đã mang đến sự nhân văn sâu sắc, hướng con người đến cái thiện, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chủ trì Tọa đàm, bày tỏ: "Văn học Việt Nam gần đây đã phá vỡ ranh giới của các đề tài và nâng các đề tài lên. Tác phẩm này đã đem đến một hiện thực đầy rẫy sự nhiễu nhương nhưng đi tới cuối cùng vẫn là cái ác phải chịu khuất phục trước cái thiện.
|
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. |
Trong chiến tranh, ta nhìn thấy kẻ thù rất rõ nhưng trong hoà bình, chúng ta không còn xác định rõ nữa, kẻ thù nằm đâu đó trong chúng ta và trong chính ta. Tác phẩm cho thấy một loại tội phạm bên ngoài chúng ta và một loại tội phạm bên trong ta, đó là sự sa ngã. Chỉ có hướng đến cái thiện và sự nhân văn, chúng ta mới tìm thấy được. Đứng trước cái ác, sự thách thức về nhân cách con người mới được đặt ở mức cao nhất. Nhà văn Dương Thanh Biểu đã đi đến tận cùng cái ác và mang nhân văn trùm lên tất cả".
Trung tướng Phạm Văn Các, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an chia sẻ: “Đọc "Vết dao ngược đêm trăng", tôi nhận ra ngay đây là tấm gương phản chiếu cuộc đời tác giả. Bản thân tôi có thời gian dài công tác gắn bó với nhà văn Dương Thanh Biểu, các sự kiện và con người được tác phẩm tái hiện mang hình bóng của chúng tôi, những người làm nhiệm vụ điều tra, truy tố và xét xử.
Khi anh Dương Thanh Biểu là Kiểm sát viên và tôi là Điều tra viên được giao giải quyết nhiều vụ án lớn, có vụ liên quan đến nhiều địa phương trong cả nước, có vụ liên quan đến tiêu cực trong nội bộ các cơ quan tư pháp nhưng đều được anh em tôi giải quyết chính xác.
Đằng sau những khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là những bài học bổ ích cho các cán bộ thực thi công lý. Đó là những bài học về đạo đức, nghề nghiệp, bài học cẩn trọng, tỉnh táo trước những cạm bẫy cuộc đời…”
Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận định: "Tác phẩm “Vết dao ngược đêm trăng” hấp dẫn và thu hút người đọc từ đầu đến cuối với cách dàn dựng, bố cục không làm rối bạn đọc mà rất mạch lạc, sáng rõ. Qua tác phẩm ta thấy cái tốt đẹp không bao giờ mất đi, trái lại, nó luôn được gìn giữ, bảo tồn và nảy nở trong cuộc sống. Chính đó là nền tảng để xây dựng xã hội nhân văn, công bằng, giàu lòng trắc ẩn, vị tha. Thông điệp ấy xuyên suốt tác phẩm, chi phối đến cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và cả cảm xúc của tác giả.
|
|
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tại buổi toạ đàm. |
Là người có gần 40 năm gắn bó với nghề kiểm sát kết hợp với khả năng văn chương của mình, nhà văn Dương Thanh Biểu đã rất khéo léo xây dựng hai tuyến nhân vật phản diện và chính diện. Sự đối lập trong nội tâm, tính cách, ứng xử của các nhân vật đã dẫn dắt người đọc đến những tình huống gay cấn, éo le, căng thẳng".
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: “Ngay từ những dòng đầu tiên, tiểu thuyết "Vết dao ngược đêm trăng" đã xác lập vị trí của mình: Đây là một cuốn tiểu thuyết hiện thực, nội dung đầy ắp những dữ liệu cuộc sống thường nhật, qua con mắt nhìn và trí cảm của người cán bộ tư pháp, cuộc sống với muôn màu sáng rỡ; nhưng phía sau ẩn chứa biết bao điều nghịch lí, những tội ác, những âm mưu xảo quyệt, những tình huống éo le… Và chính vì vậy, mà độc giả được tiếp xúc với cả một bộ máy thực thi công lý, những cán bộ pháp lý mang trên vai trách nhiệm nặng nề bảo vệ cuộc sống bình yên, bảo vệ niềm tin công lý. Điều mà rất nhiều người vốn luôn muốn tìm hiểu sâu về một ngành đầy gian nguy, đòi hỏi rất nhiều kiến thức và tình yêu thương, để đem đến cho những số phận con người niềm tin công lý mà họ cần được hưởng hoặc những chế tài cần phải áp dụng”.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng cảm nhận: "Cùng với nội dung phong phú, có giá trị tư tưởng, tiểu thuyết "Vết dao ngược đêm trăng" còn có bút pháp rất hay về nghệ thuật. Bên cạnh những tình tiết khá hấp dẫn của hoạt động tư pháp, nhiều khi đưa người đọc hồi hộp trong các phần xung đột gay gắt, tranh tụng, tranh luận đầy kịch tính, tác giả đã cài đan vào các trang viết - khi tả, khi kể, khi bình - bằng những đoạn rất văn, rất đời trên những trang viết trữ tình về tình cảm gia đình (giữa vợ chồng Nguyễn Hoàng - Lệ Quyên), tình cảm đồng nghiệp trong các cơ quan tư pháp và tình cảm vừa truyền thống vừa hiện đại của cặp đôi uyên ương trai tài gái sắc Lê Quân - Thu Quỳnh.
Tôi hình dung, người đọc cuốn sách này như khi đang leo một cầu thang nhiều bậc. Có đoạn dồn sức căng thẳng trước các bậc cao khúc khuỷu và thỉnh thoảng lại đi qua các chiếu nghỉ để thư giãn cảm xúc. Nó tựa hồ như khi đang bị khô khát mà được uống một cốc nước trong lành dịu mát. Với bố cục hợp lý 19 chương theo trình tự thời gian tuyến tính, Dương Thanh Biểu “buộc” người đọc khó gấp sách lại (trừ trường hợp không có điều kiện ) khi chưa đọc xong trang cuối cùng".
|
|
Tiến sĩ, nhà văn Dương Thanh Biểu, tác giả cuốn tiểu thuyết " Vết dao ngược đêm trăng" bày tỏ tại Tọa đàm. |
Phát biểu tại Tọa đàm, tác giả cuốn sách, nhà văn Dương Thanh Biểu cho biết: “Tôi muốn đưa những câu chuyện như thế này ra đời sống. Mỗi tổ chức, mỗi lĩnh vực đều có ưu điểm và khuyết điểm. Tôi muốn tái hiện tất cả để các cơ quan đổi mới phù hợp hơn, trong sáng hơn.”