Tiếp tục khám phá quy mô, giá trị phế tích Đại Hữu

Tại Quyết định số 1223/QĐ-BVHTTDL, ngày 7/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định).

Thời gian khai quật từ ngày 9/5- 10/7. Phạm vi khai quật 300m2.

Bộ VH,TT&DL giao ông Phạm Văn Triệu- Viện Khảo cổ học là người chủ trì khai quật.

Quyết định số 1223/QĐ-BVHTTDL lưu ý, trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích;

leftcenterrightdel
 Hố khai quật tại phế tích Đại Hữu, thực hiện từ 25/4-15/6/2023. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa;

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Định có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ VH,TT&DL.

Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Di sản có giá trị!

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, phế tích tháp Đại Hữu được khai quật lần đầu vào đầu năm 2023 (từ 25/4-15/6/2023), phạm vi 200m2, cũng do Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành, theo Quyết định số 1023/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/4/2023 của Bộ VH,TT&DL.

Báo cáo sau khai quật cho biết, quá trình khai quật đã xuất lộ một phần tường tháp phía Bắc, phía Nam, nền móng phía Đông tháp và đặc biệt là hố thiêng trong lòng tháp, là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm sâu dưới nền gạch kiến trúc tháp. Đây là nơi diễn ra những nghi thức đầu tiên trước khi tiến hành xây dựng ngôi tháp, do vậy đây được xem là vị trí linh thiêng nhất.

leftcenterrightdel
 Các hiện vật khai quật được tại phế tích Đại Hữu trong đợt khai quật 25/4-15/6/2023. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Quá trình khai quật còn phát hiện được số lượng 102 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau gồm các chất liệu đá cát kết, đá hoa cương và đá ong.

Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết, gồm nhiều loại hình như bệ thờ, bia ký, phù điêu trang trí hình người, động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen, chày nghiền.

Bên cạnh đó, quá trình khai quật phát hiện được 6 hiện vật phù điêu trang trí hình người thể hiện những nội dung tôn giáo, trong đó, có 2 hiện vật tiêu biểu là phù điêu hình đầu người, gồm phù điêu hình nữ thần.

Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên đỉnh núi Đất cao 42 m, thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

leftcenterrightdel
 Phù điêu trang trí hình người phát hiện tại phế tích Đại Hữu. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Di sản được đề cập đến lần đầu tiên trong công trình nghiên cứu Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam, xuất bản vào năm 1909, của Henri Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ xưa.

Trong quá trình khảo sát, nhà khảo cổ học Parmentier phát hiện nhiều hiện vật điêu khắc đá, trong đó có pho tượng thần Siva cao 83cm tạo hình trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân. Pho tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Từ kiến trúc và hiện vật khai quật được, bước đầu các chuyên gia khảo cổ học nhận định, về mặt bằng kiến trúc, phế tích tháp Đại Hữu có quy mô lớn, bình đồ hình vuông có cửa giả, tương tự các công trình kiến trúc tháp Chăm Pa tại Bình Định, có nhiều nét tương đồng với các di tích như tháp Dương Long, tháp Hưng Thạnh, tháp Cánh Tiên, phế tích Tháp Mắm…

Theo TS. Phạm Văn Triệu- Viện Khảo cổ học, chủ trì khai quật, từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Chăm Pa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp với bia ký đã được người Pháp phát hiện trước đây, có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa sau thế kỷ XIII, dưới triều vua ŚrīJaya Simhavarmadeva (1257 – 1265).

PV