(BVPL) - Tôi biết Hoài Anh từ những năm đầu thập niên 90, lúc nữ sĩ Ngân Giang (thân mẫu Hoài Anh) còn sống. Trong những lần đến thăm hầu chuyện thơ Ngân Giang tôi đều gặp Hoài Anh. Hồi ấy, tôi chỉ biết Hoài Anh là nghệ sĩ ngâm thơ và hát dân ca có chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Vừa đọc tôi vừa trao đổi với Hoài Anh về những gì tôi nhận biết. Tôi biết chị được thừa hưởng và mang trong mình một dòng máu thơ tài hoa từ nữ sĩ Ngân Giang.

Giờ đây, sau mười năm (2011) tôi nhận được bản thảo tập thơ Hương Quế mà chị vừa hoàn thành, chị nhờ tôi đọc và viết đôi lời phi lộ. Thú thật, tôi không phải là nhà thơ bình và cũng không dám bình, mà chỉ viết đôi điều về sự cảm nhận của mình trong tập thơ Hương Quế của Hoài Anh.

Hương Quế là tập thơ chị dành trọn cho thân mẫu của mình là nữ sĩ Ngân Giang bằng tất cả tình yêu thương, kính trọng. Bài Hương Quế cũng là tựa đề của tập thơ. Ở đây người đọc không khó nhận ra một ánh trăng quê nơi làng Hướng Dương, ánh trăng rực sáng nơi đường quê, xóm nhỏ. Ánh trăng lung linh huyền ảo, khi tỏ, khi mờ. Ánh trăng cũng chính là Ánh Quê nơi làng Hướng Dương. Một Ánh Quê làm nên một dòng chảy Ngân Giang - một nữ sĩ tài hoa với hơn 4.000 thi phẩm. Suốt hơn tám thập kỷ bà sống và làm thơ, thơ bà dâng cho đời những hoa thơm trái ngọt. Không chỉ là cảm xúc, niềm tự hào của riêng Hoài Anh, mà còn là cảm xúc và niềm tự hào của những người yêu thơ Việt Nam.
 

Ánh Quê rội chiếu đường trăng cũ
Hương Quế thơm nồng thôn Hướng Dương


Thông thường hương quế rất thơm, nhưng trong mùi thơm ấy vẫn sực nức mùi vị đặc trưng cay và gắt của quế. Còn hương quế ở thôn Hướng Dương thơm nhưng thơm nồng. Cái mùi thơm ngọt ngào quyến rũ, như mãi mãi còn ở lại đâu đây không bao giờ mất đi. Đó chính là cảm xúc và tính thẩm mỹ trong câu thơ mà Hoài Anh đã đạt được và cũng chính từ cái ánh quê nơi làng quê Hướng Dương với đường trăng lối cũ đưa Hoài Anh về với hoài niệm xa xưa của người mẹ kính yêu. Nếu tôi không nhầm, ngoài những tố chất đẹp, Hoài Anh còn được thừa hưởng từ người mẹ là nữ sĩ Ngân Giang nên trong thơ chị cũng phảng phất nỗi buồn khôn tả, một chút đắng cay, day dứt khôn nguôi. Phải chăng Hoài Anh đang lập trình lại số phận của mẫu thân, nữ sĩ Ngân Giang. Ở đó có tài hoa và sự nghiệt ngã của số phận!
 

Mây thả chơi vơi hồn tĩnh lặng
Ngát đường thi mờ ảo màn sương


Còn đây, những câu thơ tài hoa của nữ sĩ Ngân Giang. Song ở đó là bao xót xa cay đắng:


Trời ở đâu mà nước ở đây
Mây bay tám hướng lạnh chân cầu

(Sau phút biệt ly)

Hay:
 

Tài hoa giữa lớp bụi trần
Non xa bóng ngã, quán gần trăng soi

 

(Tiếng vọng sông Ngân)

Sở dĩ tôi đưa ra so sánh trên để bạn đọc dễ tìm ra nơi điểm xuất phát của thơ và kết quả gặt hái của thơ Hoài Anh, còn sự hay dở xin nhường nơi bạn đọc về sự thẩm định riêng của mỗi người.

Về sự lặp lại phải chăng đó là định mệnh? Xin trở về với thơ của Hoài Anh. Chị thương mẹ, tôn vinh mẹ tần tảo, chắt chiu, mẹ như thân cò lặn lội, suốt cả cuộc đời vì chồng con và cả nỗi trớ trêu, ngang trái chồng chất lên đôi vay gầy của mẹ:


Mẹ tôi, hạt mưa tất tưởi đầu mây cuối gió,
Dòng sông hiền hòa, khi ầm ào dữ dội
Là đợt sóng vỗ bờ tầng không
Cả cuộc đời gió bão mưa giông


(Mẹ tôi)

Giờ đây mẹ đã đi xa, vĩnh viễn không bao giờ gặp mẹ. Bao kỷ niệm về mẹ vẫn mãi mãi sống cùng Hoài Anh, cùng gia đình và những người thân yêu. Đó là những kỷ vật của mẹ, những kỷ vật đơn sơ như đôi kính đã cũ, chiếc quạt giấy… đến ngôi nhà lá bồn bề trăng soi… đều gợi lên bao nỗi nhớ thương của Hoài Anh. Những ký ức đó đã góp phần làm nên những bài thơ rung động của chị:
 

Đám mây trắng ngỡ tóc vương trong nắng
Khói lửa hồng lốp đốp lá vàng khô
Mẹ quét mòn lối xưa bao lá đổ
Lưng còng vai ẩm ướt gió mưa.

 

(Ngôi nhà kỷ niệm)

Ngoài mảng thơ viết về mẹ, Hoài Anh còn mảng thơ trữ tình đề cập tới nhiều đề tài, khía cạnh của cuộc sống. Nhưng đáng chú ý là những bài viết về tình yêu như: Về Kinh Bắc, Nhà xưa, Nụ hôn… đã đọng lại trong tôi và cũng sẽ đọng lại trong lòng nười đọc:


Hoàng hôn đợi, tím Tây Hồ
Se lòng cạn gió nỗi chờ em mang


Hay:


Bên thềm, mái đổ, song thưa
Em bồng cái ngủ gọi trưa sang chiều

 

Đó chính là cảm xúc, từ cảm xúc đến độ chính của câu thơ, của bài thơ, một thứ thơ có hồn.

Cũng là cảm xúc về tình yêu trong bài Nụ hôn, Hoài Anh đã trở về với cảm xúc tươi rói của một thời hoa mộng :

 

Nụ hôn vừa chớm nở
Hàm tiếu tuổi xuân thì
Cỏ non, chồi xanh nhú
Sương ngậm óng đường tơ


Song cái nụ hôn càng đẹp hơn, mang đầy đủ tính nhân văn bởi tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu quê hương đất nước. Nụ hôn tiễn người trai trẻ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước:


Nụ hôn choàng áo lính
Xẻ dọc Trường Sơn sương mù
Nụ hôn nồng hương ấm
Theo dấu bước chinh phu


Có thể nói Hoài Anh là một mẫu người đa năng, chịu học hỏi và luôn sáng tạo trong mảng thơ nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung. Chị luôn hướng tới phía trước. Được đào tạo từ một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp của đoàn cải lương Chuông Vàng Thủ Đô (Hà Nội) và trường Múa Mai Dịch (Hà Nội)… rồi làm đạo diễn, dàn dựng các thể loại như: kịch thơ, chèo, ca kịch, hoạt cảnh, biên đạo múa, hát dân ca, hát ru, ca trù, ngâm thơ, sáng tác thơ. Chị hiện là trưởng đoàn nghệ thuật Tiếng Vọng Sông Ngân. Những cống hiến của chị trong công tác văn hóa nghệ thuật của nhiều năm qua thật đáng trân trọng.

Và đâu chỉ có vậy. Giờ đây thế hệ thứ ba trong gia đình Hoài Anh cũng đang tiến bước trên con đường văn hóa nghệ thuật. Đó là cô con gái Trang Nhung của Hoài Anh, á hậu cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam năm 2005, người mẫu độc quyền của FOCI. Trang Nhung đã và đang tham gia đóng phim cho nhiều hãng phim nổi tiếng tại TP.HCM- một diễn viên điện ảnh trẻ đầy triển vọng. Thật là đại gia đình có ba thế hệ nối dòng tài hoa. Đó chính là hạnh phúc, niềm vui vẫy gọi, thôi thúc Hoài Anh tiếp bước xứng đáng dòng chảy thơ của thân mẫu- nữ sĩ Ngân Giang.

Tuy nhiên, trong tập thơ đầu của Hoài Anh còn gạn đục khơi trong, song Hương Quế vẫn còn nhiều bài thơ, nhiều câu thơ đáng đọc, đáng nhớ. Và như thế cũng là sự thành công trong tập thơ đầu tay của nghệ sĩ Hoài Anh.

Với những gì đã có, đã cống hiến cho thơ, cho sự nghiệp sân khấu, nghệ thuật, bạn đọc, thính giả có quyền hy vọng nhiều hơn nữa Hoài Anh.


Xuân Hòa