Không còn tục “đâm trâu”

Người Cơ Tu sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ trên những huyện vùng cao Quảng Nam. Đến nay người Cơ Tu vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, lễ hội, trang phục, âm nhạc, ẩm thực. Nhưng nghe theo chủ trương của Đảng, người Cơ Tu đã bỏ đi tục “đâm trâu”, bởi nó không còn phù hợp.

Cũng như những ngôi làng khác của người Cơ Tu vùng cao Quảng Nam, thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Năm nay, làng tổ chức hội chung với 2 sự kiện quan trọng là nhà gươl mới và mừng tết cổ truyền. Cũng như những hội mừng nhà gươl truyền thống trước đây, con trâu vẫn xuất hiện trong lễ hội.

leftcenterrightdel
Những cô gái Cơ Tu trong trang phục truyền thống 

Trước khi vào lễ hội, con trâu đã được buộc sẵn bên cây nêu ở giữa làng, ngay tâm nhà gươl. Trống chiêng bắt đầu nổi lên, để báo hiệu cho lễ hội chuẩn bị bắt đầu. Khi bà con đã đến đầy đủ ở sân nhà gươl, già làng Pơloong Nhăn bắt đầu hú vang 3 tiếng dài trước khi làm lễ cúng thần linh, thể hiện niềm vui chào đón năm mới. Tiếp đó, các chàng trai, cô gái Cơ Tu xúng xính trong sắc phục truyền thống bước vào hội làng bằng vũ điệu truyền thống của mình. Năm nay, lễ hội của làng được tổ chức đặc biệt hơn, bởi ngoài hai sự kiện quan trọng, đây còn là dịp để “mừng công”, vừa là ngày hội đoàn kết trong cộng đồng làng, sau thời gian chung sống thuận hòa.

Với người Cơ Tu, trong lễ mừng nhà gươl, ngoài những lễ vật cần thiết thì con trâu không thể thiếu trong lễ hội. Trước đây, “đâm trâu”được coi là linh hồn trong lễ hội mừng nhà gươl. Nhưng những năm trở lại đây, nghe theo chủ trương của Đảng, họ đã bỏ đi tục “đâm trâu”. Theo tục lệ truyền thống, trước đây con trâu được buộc vào trụ nêu ngay trước sân nhà gươl. Sau những thủ tục lễ của già làng, mọi người tập trung vòng tròn quanh con trâu nhảy múa những vũ điệu truyền thống sau và dùng giáo mác đâm vào con trâu. Con trâu sẽ bị đâm nhiều nhát cho đến khi chết sau đó được đưa đi giết thịt phục vụ cho phần hội.

leftcenterrightdel
Năm nay, thôn Nal, xã Lăng huyện Tây Giang tổ chức hội chung với 2 sự kiện quan trọng là nhà gươl mới và mừng tết cổ truyền

Những năm gần đây, người Cơ Tu đã bỏ đi tục đâm trâu. Sau phần lễ tế của già làng, con trâu được đưa đi giết thịt ngay. Đã không còn cảnh máu trâu vương vãi trước nhà gươl bởi những cú đâm của trai làng như trước đây nữa. “Xã hội văn minh rồi, “đâm trâu” là tàn nhẫn nên bà con nghe theo Đảng, nghe theo Nhà nước bỏ đi tục này. Con trâu vẫn không thể thiếu trong lễ hội, nhưng làm lễ tế xong trâu được đưa đi mổ thịt để phục vụ bà con chứ không bị đâm nữa”, Pơloong Plênh - cán bộ văn hóa ở Tây Giang nói.

Chào cờ ngày đầu năm mới

Tết, cũng như đồng bào người Kinh, đồng bào Cơ Tu cũng có tục xông đất. Ông Alăng Giôr (ở làng Aré - Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Đông Giang) kể, ngày trước, người vùng cao thường tổ chức tất niên vào buổi sáng sớm đầu năm mới. Lúc đó, cả dân làng mời nhau để “ăn tết”. Từng đoàn người lũ lượt kéo từ nhà này sang nhà khác, cùng vui say cho đến tận đêm khuya. Nhưng, sau này vì thấy bất tiện, lại ảnh hưởng đến tục xông đất nên đồng bào đã bỏ. Tất niên được dời lại vào một ngày trước tết, nhường sáng mùng Một cho tục xông đất. Ông Un Nhuar (thôn 58, xã Đắc Pre, Nam Giang) cho biết, sau tết chung vào ngày mùng Một, từng tộc họ sẽ tổ chức tết riêng tại gia đình vào các ngày còn lại. Họ mời dân làng chung vui, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng diễn ra thâu đêm suốt sáng.

leftcenterrightdel
Nụ cười chào năm mới 

Ngoài việc xông đất đầu năm mới, từ nhiều năm nay, đồng bào ở vùng cao Quảng Nam đã hình thành một thói quen đầy ý nghĩa và sinh động đó là chào cờ ngày đầu năm mới.Nghi thức chào cờ trong ngày đầu năm mới không chỉ riêng đồng bào Cơ Tu thực hiện mà thói quen này cũng được đồng bào Ve, Tà Riềng ở huyện Nam Giang duy trì từ nhiều năm nay.

Sau thông báo của già làng, họ tập trung trước nhà sinh hoạt cộng đồng để nghe trưởng thôn đọc thư chúc tết của Chủ tịch nước; đồng thời thông tin một số chủ trương mới, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điểm lại tình hình chung của thôn trong năm qua. Và cuối cùng, là bữa tiệc chung được tổ chức, sau chương trình giao lưu thể thao giữa thanh niên trong làng.

“Khóc trâu”

Trước đây, khi còn tục “đâm trâu”, bà con Cơ Tu có nghi thức “khóc trâu”. Chiều tối của đêm trước ngày đâm trâu, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, sẽ tổ chức cúng trâu tại sân Gươl. Cúng trâu phải có đầu heo, gà luộc và chai rượu cúng và khấn với Yàng rằng mọi việc chuẩn bị xong xuôi, ngày mai xin Yàng cho dân làng "đâm trâu".

leftcenterrightdel
Con trâu không thể thiếu trong lễ mừng nhà gươl

Đêm đó, cả làng múa hát vui vẻ múa hát đến khuya còn người già thường thức đến sáng để tế, "khóc trâu". Màn tế, "khóc trâu" thường được mở đầu bằng câu: ”Trâu ơi, giờ trâu đã buộc vào neo, biết gỡ vào đâu…". Nội dung khóc tế trâu thường nói lên tình cảm, thương tiếc con vật đã suốt đời gắn bó, phục vụ con người, nay lại làm vật hiến sinh cúng Yàng.

Nghi thức khóc trâu thường được bắt đầu bằng một người già có vai vế trong làng, có năng khiếu về nói lý, hát lý, đại diện cho dân làng ra đứng gần bên con trâu mà than khóc trâu với âm điệu rất tha thiết như: ''Trâu ơi, trâu đừng trách dân làng, đây là nghi lễ truyền thống bao đời của dân làng hàng năm hiến tế trâu cho trời, đất, tổ tiên để cầu cho dân làng được bình an, không bị dịch bệnh, thú dữ, hoa màu tươi tốt, mọi người khỏe mạnh. Cầu cho linh hồn trâu về cõi trời được an lành. . .''.

Xuân Nha