Đọc “Nỗi niềm người lính” của Tiến sĩ, Nhà báo- nhà văn Dương Thanh Biểu cho tôi cái nhìn xuyên suốt cuộc đời của ông - một người lính dạn dày trận mạc chống giặc ngoại xâm và nội xâm. Quãng đời hơn bốn mươi năm ông từng trải trong quân ngũ và ngành Kiểm sát với vô vàn cái sự được - mất, vinh hạnh và đắng cay... nay ông ghi, kể lại cho đời về nỗi niềm của mình, đừng quên quá khứ nghiệt ngã giữ nước và dựng xây đất nước!...
Dương Thanh Biểu thật tinh tế chọn thể loại Truyện ký văn học để tự sự, để thuật, tả về cuộc đời người chiến sĩ “chống giặc ngoại xâm” và “chống giặc nội xâm” của mình cùng đồng đội một cách hết sức trung thành, hiện thực khách quan. Với 12 đầu sách, trong đó có 6 tác phẩm văn học do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đều ghi đậm dấu ấn cuộc đời miên man chinh chiến của ông. Hơn 40 năm với vòng xoáy trận mạc; ông xứng danh là “lính chiến” dũng cảm, kiên cường không chỉ trong chống Mỹ cứu nước mà cả trong “chống giặc nội xâm”. Truyện ký “Nỗi niềm người lính” được kể lại, thuật tả theo trình tự thời gian. Sự mạch lạc được phân khúc theo chương mục giống như Tiểu thuyết. Ấy cũng là cái tạng, vốn tính minh bạch, rành rõ của Dương Thanh Biểu ngay cả trong lối viết, chẳng dập theo ai. Mười bốn chương của tập Truyện ký là sự chưng cất đặc quánh niềm vui và nỗi buồn của một kiếp người trọn đời “trận mạc” đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Suốt mấy mươi năm phục vụ trong quân ngũ và ngành Kiểm sát, biết bao được - mất, đắng cay, biết bao nỗi niềm chung riêng theo suốt cuộc đời của Dương Thanh Biểu. Mười bốn chương mục trải dài theo thời gian, nhưng đọc rồi vẫn thấy từ chương đầu đến chương cuối luôn có sự đan cài, vấn vít với nhau như sự đời nhân quả, cái này làm nên sức sống của cái kia... Mấy chương đầu, với tiêu đề: Thời trai trẻ và Em mãi đợi anh về, rất sâu đậm tình cảm của tác giả với quê hương. Ngày lên đường vào Nam đánh giặc, biết bao quyến luyến về gia đình, tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè và người con gái yêu quý với lá thư viết bằng con tim nồng thắm yêu thương, có dòng kết da diết: EM MÃI ĐỢI ANH VỀ!
|
|
Truyện ký "Nỗi niềm người lính" của tác giả Dương Thanh Biểu vừa xuất bản. |
Nỗi niềm về cuộc đời binh nghiệp, tác giả để 4 chương, chọn lọc những trận đánh tiêu biểu làm tiêu đề các chương: Mai táng tử sĩ – Ngọn đuốc sống Vương Tử Hoàng – Vây lấn Đắk Siêng – và Trận đánh đêm trước Hiệp định Pari! Nhiều lần đọc, đọc nhiều lần mà tôi vẫn giàn giụa nước mắt bởi tình cảm đồng đội của người chiến sĩ không chỉ nhường cơm sẻ áo mà nhường cho nhau cả cái chết và sự sống. Khi đồng đội hy sinh, thì từ chỉ huy tới chiến sĩ đều một lòng một dạ đưa họ về nơi mai táng yên bình. Tác giả không sính từ hoa mỹ, nhưng giàu lòng cảm xúc nên cuốn hút người đọc. Tôi bảo đó là lối viết bằng con tim truyền lửa của người lính. Bởi thế, khi đơn vị tham chiến tại Mặt trận B3, Biểu luôn là người trong cuộc, từng sống mái với quân thù đến cùng, nên nay viết lại, kể lại rất sống động. Đọc xong mỗi chương, tôi có cảm nhận trận đánh như vừa diễn ra trước mắt. Đây là cách kể chuyện tài tình của người viết cũng như sự tài giỏi của người dùng binh. Họ có những tố chất rất đẹp, rất cơ bản, ấy là: Mưu lược; Quyết đoán và Chọn đúng đối tượng và thời điểm để quyết chiến và quyết thắng!.... Trong trận đánh trước Hiệp định Pari, không may Dương Thanh Biểu bị thương, để lại những đau buồn cho đơn vị trước giờ phút lịch sử của dân tộc. Anh phải nằm viện nhiều tháng và phải nhận Quyết định ra Bắc điều trị!... Đó là nỗi niềm muốn sẻ chia, muốn nhắn gửi cho hôm nay, cho cả mai sau... Nhưng, đắng cay nhất lại là những ngày anh ra Bắc, được về quê ăn Tết, trước khi lên nằm Viện ở Việt Bắc! Anh thốt bằng lời khi thắp nén hương trên mấm mồ người Cha bị bom Mỹ sát hại:
“Từ tiền tuyến trở về, sau bao năm xa cách, con không còn Cha nữa. Nhà cửa thì rách nát, các em phải đi ở đợ, học hành dở dang, người yêu bị chết vì bom Mỹ. Khi Mẹ mất, con trai của Mẹ còn quá nhỏ. Bây giờ đến lượt Cha mất, con trai của Cha lại trên mình đầy vết thương với hai bàn tay trắng. Không hiểu rồi đây, con sẽ sống ra sao. Cha ơi, sao đời con phải chịu nỗi bất hạnh lớn như vậy? Lúc con đi, Cha còn tiễn và dặn dò con, khi về con không còn được ôm Cha nữa. Con thương Cha vô cùng… Cuộc đời Cha chưa bao giờ được thảnh thơi! Con cầu nguyện Cha Mẹ sống khôn thác thiêng phù hộ, độ trì cho các con vượt qua thử thách nghiệt ngã này”. Rời quân ngũ, Dương Thanh Biểu được chọn vào Viện kiểm sát nhân dân tối cao, “làm lính” chiến trên mặt trận “Chống giặc nội xâm”. Anh cần mẫn, cẩn trọng và say mê với công tác đánh án. Từ một chuyên viên, trở thành Kiểm sát viên, Vụ phó, Vụ trưởng, Viện trưởng cấp tỉnh rồi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp... Kỷ niệm sâu đậm nhất với anh là những vụ án được rút làm tiêu đề cho tập truyện ký từ Chương 8 đến Chương 14. Chương nào cũng xác lập ấn tượng rất sâu đậm với người đọc. Bảy vụ án tiêu biểu như bảy câu chuyện, cũng từa tựa như những truyện ngắn với những tình tiết ly kì, có thắt có mở, lắm khi rất bất ngờ, bởi lòng người gian trá, mưu mẹo; bởi sự tài tình của cán bộ điều tra, kiểm sát, bóc mẽ, phơi trần sự thật trắng đen. Ở đó, Dương Thanh Biểu luôn nhìn nhận và quý trọng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm và trái tim nhân hậu thương người của cuộc đời các Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, luôn thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu với cán bộ ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”!
|
|
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, nguyên Tổng Biên tập đầu tiên Báo Bảo vệ pháp luật tặng sách "Từ cuộc chiến đến cuộc chiến" cho lãnh đạo, cán bộ Báo. Ảnh: PV |
Ấn tượng sâu đậm và kịch tính cũng rất rõ ở các vụ án thuộc các chương: Cuộc gặp không hẹn trước; Gục ngã vì đồng tiền; Đi tìm sự thật, Bức thư tình oan nghiệt... Chuyện rất thật mà ngỡ như đùa, như là truyện ngắn, thật như bịa... cuốn hút đến lạ lùng! Tập truyện ký văn học về nỗi niềm người lính, cũng là cách để tác giả tri ân những đồng đội, đồng nghiệp và những người thân yêu đã đi qua đời mình như một lời biết ơn, lời cảm tạ. Âu đó cũng là những bài học bổ ích cho các thế hệ cán bộ tư pháp của hiện tại và tương lai. Đọc. Hay nên thích đọc. Đọc đi, đọc lại nhiều lần vẫn say mê. Nhân đây xin nhắn gửi với bạn đọc, rằng: Truyện ký “Nỗi niềm người lính” rất có thể sẽ truyền thêm năng lượng sống hữu ích cho mỗi chúng ta.