Có thể nói, ở tuổi 71, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có trong tay một “tài sản” kha khá: hơn 10 đầu sách thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự.

 

 

Khi được hỏi sắp tới chị có dự tính gì không và thể loại nào chị sẽ viết trong thời gian tới, chị cho biết: Tôi giữ được cảm xúc cho những trang viết vì từ lâu, tôi chọn thể loại gần gũi với nghề Báo của mình: Thể loại văn học phi hư cấu (Non fiction). Tôi viết chân dung nhân vật.

Chắc chắn bất cứ thời đại nào cũng có con người đáng viết. Tôi luôn tin ở con người - cũng là một thể loại hấp dẫn, được đánh giá cao ở các nước.

Các nhà báo thường phỏng vấn, cơ duyên nào khiến tôi viết nhiều nhân vật như Phạm Xuân Ẩn, Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương, Hoàng Đạo... phần lớn là Tướng ngành Công an. Tôi trả lời là nhà văn như cái nam châm, ở đâu có chuyện hay thì nó bị hút về đó. Mà cuộc chiến tranh giành Độc lập Thống nhất đất nước rất khốc liệt, họ đứng ở vị trí điển hình nhất. Họ có nhiều chuyện hay nhất để kể.

Hầu như bản lý lịch chung của họ là làm rất nhiều công việc khác nhau, vào sống ra chết. Một thế hệ người sống có lý tưởng chính trị, hy sinh tận hiến đời mình, có khi chịu nhiều cay đắng trái ngang.

Vậy sao nhà văn lại có thể không yêu và bỏ công tái hiện lại cho công chúng, cho đất nước?!

Hơn nữa, “nghề” của họ làm tình báo, một lĩnh vực “bí ẩn, hấp dẫn”, nhiều câu chuyện và chi tiết lạ lùng. Ngay các dân tộc khác trên thế giới cũng vậy, ai lại chả mê chuyện trinh thám, tình báo?

Tôi viết cuốn “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” trong điều kiện rất khó khăn về tài liệu, nhưng tôi tập trung vào chân dung ông. Vì tôi biết, bức chân dung này, bảo tàng cũng không thể giữ được khi họ mất đi. Sau khi sách ra, các tác giả nước ngoài mới vào làm rõ hơn, mở rộng thông tin Hồ sơ được giải mật ở Mỹ, bức chân dung ông và cuộc chiến hiện dần đầy đủ hơn (dù chưa phải là tất cả. Ông ra đi chắc chắn đã mang theo những bí mật mãi mãi).

Ông ấy đã cung cấp hơn 400 tin có giá trị, nhờ nó mà  “chúng ta như đang ngồi trong phòng tác chiến của Mỹ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Ông ấy cũng là phóng viên gạo cội của báo Time. Thật là “nhà báo và tình báo vĩ đại của Thế kỷ 20” (Báo chí nước ngoài đánh giá).

Tôi nghĩ, làm nghề viết mà đóng góp được chút gì cho công chúng, được ghi nhận,  đó thật sự là hạnh phúc, thật sự là bõ công lao động, bõ công lo âu tìm tòi nhọc nhằn.

Tôi tin rằng nếu có cách nhìn, cách tiếp cận đúng, tôn trọng khách quan, thì nhà văn sẽ đi được vào cuộc sống và sâu thẳm tâm hồn con người. Đó cũng chính là con đường tôi tâm niệm và kiên trì đi theo, mặc cho cuộc đời có “điên đảo” cách nào.

Tôi không bao giờ thấy con người nhàm chán, luôn nhớ lời của một nhà thơ Nga: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời - Mỗi số phận mang một phần lịch sử” (Eptusenco).

 

Theo Người tiêu dùng

.