Nằm khiêm nhường trên đường Nguyễn Công Trứ, ngôi nhà nhỏ số 141 của Bác sỹ chuyên khoa mắt Lê Công Đức ở Phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh bao năm nay là điểm đến thường xuyên của những "tín đồ" đam mê đồng hồ cổ không chỉ riêng Hà Tĩnh. Trong căn phòng khách được bài trí gọn gàng, là cả trăm chiếc đồng hồ cổ xưa được sắp xếp theo "dòng" và niên đại. Trong đó nổi bật nhất là những chiếc đồng hồ cổ xưa của Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ... Mà với con mắt của "dân trong nghề", thì chỉ có thể nhìn thấy ở những bảo tàng lớn ở phương Tây và các nước từng là thuộc địa của Pháp.
|
Bộ đồng hồ tôn vinh nàng thơ CLIO, được thiết kế theo phong cách Louis XV, được đúc bằng đồng nguyên chất, kết hợp đá trắng, có niên đại đầu thế kỷ 19. |
Cổ xưa nhất trong bộ sưu tập của "vị bác sỹ đam mê thời gian" này, là những chiếc đồng hồ để bàn của Pháp, Đức, đầy đủ các dòng ODO, MF, VEDETTE… với thiết kế mang phong cách phục hưng tiêu biểu thế kỷ 18, 19.
Bác sỹ Lê Công Đức cho biết, cái duyên chơi và sưu tầm đồng hồ cổ đến với anh rất tình cờ cách đây khoảng 10 năm. Khi đó anh đang theo học một lớp chuyên khoa ở Hà Nội. Nửa đêm nghe tiếng chuông đồng hồ cổ thánh thót vang lên trong ngôi biệt thự bên cạnh, khiến anh như chìm trong ký ức thời gian, để rồi cả đêm anh không ngủ được, chỉ căn mỗi tiếng đồng hồ để được nghe tiếng chuông đồng hồ vang lên trong đêm thinh vắng. Sáng sớm tinh mơ, anh chạy sang cổng căn biệt thự và được chủ nhà mời vào uống trà mạn, nghe tiếng chuông đồng điệu của nhiều loại đồng hồ cổ treo trên tường, đặt trên bàn. Anh biết, mình phải sưu tập thời gian, không chỉ để ngắm nhìn mà còn để được lắng nghe những ký ức thời gian xa xưa...
|
|
Bác sỹ Lê Công Đức giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ của mình cho một người chung đam mê. |
Từ chiếc đồng hồ quả lắc có tuổi đời hàng chục năm của gia đình, sau gần 10 năm nhờ các mối quan hệ bạn bè, người thân ở Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ... anh đã mua và sở hữu được những chiếc đồng hồ cổ xưa được xem là "độc nhất vô nhị" không chỉ riêng ở Hà Tĩnh. Có những chiếc đồng hồ đến với anh, như là "cái duyên" giữa những người chung đam mê ở Sài Gòn, Hà Nội, đã cùng nhau trao đổi, chia sẽ "nỗi luyến tiếc thời gian". Đến nay, "gia tài" của bác sỹ Lê Công Đức là hơn 100 chiếc đồng hồ cổ các loại, cứ mỗi tiếng đồng hồ lại cùng nhau vang lên "khúc nhạc tinh tế" của thời gian xưa. Cái thời mà chỉ với đôi bàn tay tài hoa, những nghệ nhân làm đồng hồ ở Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Ý, Nga...đã tạo ra những "tuyệt tác thời gian" tinh xảo, tỷ mỷ và chính xác hoàn toàn bằng thủ công.
|
Khách tham quan mê mẫn trước một bộ sưu tập. |
Rất tình cờ, hôm chúng tôi vào chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồng hồ cổ xưa này, đúng dịp người thợ sửa đồng hồ giỏi nhất xứ Nghệ tên Hải, ở phường Cửa Nam - TP Vinh (Nghệ An) vào bão dưỡng, cân chỉnh định kỳ cho những chiếc đồng hồ cổ xưa của bác sỹ Lê Công Đức.
Vừa chăm chú cân chỉnh, nghiêng tai "lấy tiếng" cho chiếc đồng hồ dòng ODO quý hiếm, ông Hải vừa nói: "Nếu ở xứ Nghệ, thì con này (chỉ chiếc đồng hồ - PV) đẳng cấp nhất, không dưới 200 triệu đồng. Vừa rồi tôi có làm 3 con tương tự ở TP Vinh, nhưng không có con nào đẹp, chuẩn như con này. Như con này, không có cái thứ 2".
|
Ông Hải - Thợ sửa đồng hồ cổ đang cân chỉnh cho một chiếc đồng hồ cổ trong bộ sưu tập. |
Chưa có định giá chính xác, nhưng giới chuyên môn đánh giá, bộ sưu tập đồng hồ cổ của bác sỹ Lê Công Đức có nhiều "con" thuộc hàng "độc", quý hiếm, với giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi "con". Ước tính bộ sưu tập này có giá nhiều tỷ đồng.
Được biết, bác sỹ Lê Công Đức là cháu đời thứ 6 của quan Hình bộ tả Thị lang Lê Dụ, triều vua Tự Đức. Trước đó, năm Giáp Thìn (1844), ông Lê Dụ được vua Thiệu Trị phong làm Tri huyện Kim Động (Hưng Yên). Đến năm Đinh Mùi (1847), được vua Thiệu Trị phong làm Tri Phủ Hòa An (Cao Bằng). Năm Tân Dậu (1861), ông Lê Dụ được vua Tự Đức phong làm Bố Chánh Sơn Tây. Sau đó, ông Lê Dụ được vua Tự Đức điều vào làm Tuần phủ Nam - Ngãi. Đến năm Ất Hợi (1875), vua Tự Đức phục chức cho ông Lê Dụ là Hình Bộ tả Thị lang tự biện lý Bộ hình.
Một số hình ảnh bộ sưu tập đồng hồ cổ "độc nhất vô nhị" ở Hà Tĩnh:
|
Bác sỹ Lê Công Đức bên bộ sưu tập đồng hồ chân nến cổ, đến từ lâu đài Surgères vùng Limoges của Pháp, niên đại đầu thế kỷ 19. |
|
Bộ đồng hồ tôn vinh nàng thơ CLIO, được thiết kế theo phong cách Louis XV, có niên đại đầu thế kỷ 19. |
|
Những chiếc đồng hồ để bàn của Pháp, được thiết kế theo phong cách thời kỳ Phục Hưng (đầu thể kỉ 18) |
|
Một trong số ít đồng hồ tượng đồng do nghệ nhân E.Picault nổi tiếng của Pháp chế tác, đế làm bằng đá xanh cẩm thạch nguyên khối, được làm vào thế kỷ 19, thời Napoleon III. |
|
Bộ đồng hồ treo tường với đủ các dòng như: ODO, MF, VEDETTE… có xuất xứ từ Pháp, Đức. Chủ yếu sản xuất cho thị trường Việt Nam những năm Pháp thuộc. |
|
Những người chung đam mê đồng hồ cổ say đắm trước những "tuyệt tác thời gian" đến từ thế kỷ 19. |
|
Việc cân chỉnh, "lấy tiếng" những chiếc đồng hồ cổ cũng là cả một nghệ thuật, thu hút giới đam mê theo dõi... |
|
Người thợ cân chỉnh, "lấy tiếng" đồng hồ ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kinh nghiệm hàng chục năm, với đôi tai biết "lắng nghe thời gian", phân biệt được từng dòng đồng hồ qua tiếng chuông, tiếc lắc |
|
Chỉ với đôi tay tài hoa và hoàn toàn thủ công, những nghệ nhân xưa đã tạo ra được những "tuyệt tác thời gian" tinh xảo, tỷ mỹ, chi tiết và chính xác. Sau hàng trăm năm vẫn giữ nguyên giá trị. |
Bùi Tiến