(BVPL) - Từ trên bờ đê xa xa, du khách đã có thể thấy thấp thoáng ngôi chùa Keo cổ kính dưới chân đê nằm ở thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Càng lại gần lại càng bị mê hoặc bởi phong cảnh hữu tình nơi đây. Cây cối và hồ nước như tôn thêm cho ngôi chùa sự thanh tịnh hàng trăm năm vốn có.
 


Trải qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn các giá trị kiến trúc cổ, gỗ lim, mái ngói rêu phong và không có bê tông cốt thép. Kiến trúc tổng thể chùa Keo hài hòa và cân đối không chỉ giữa các công trình mà còn hài hòa cả với thiên nhiên. Chùa kiến trúc theo kiểu: “Nội nhị công, ngoại nhất quốc”. Từ trên đê bước xuống bậc tam cấp, qua khu sân rộng có nhiều cây lớn tỏa bóng, chúng ta bắt gặp Tam quan của chùa được xây 3 gian, 4 mái đặt trên 3 hàng chân cột, còn 2 cổng phụ hai bên được xây bằng gạch theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Qua Tam quan, du khách bắt gặp hồ nước phẳng lặng, hai bên tả - hữu có con đường lát gạch dẫn vào chính chùa: “Tiền Phật - hậu Thần”. Tiền đường gồm 5 gian có đặt tượng: Hộ pháp, Khuyến thiện, Trừ ác, Đức ông, Thập điện diêm vương. Thượng điện thờ Quán âm thế chi thiên nhãn, quán âm Nam Hải, Phật bộ di đà tam môn, Hoa nghiêm tam thánh, Quán âm tọa sơn. Trong tòa Tam bảo có những bức tượng hết sức quý giá như tượng Quân âm Bồ tát, Quan âm tọa sơn, Thập bát La hán, tượng A di đà có niên đại từ thế kỷ 17, 18. Đặc biệt, pho tượng vô giá làm bằng gỗ trầm hương tạc Thiền sư Không Lộ đã gần 1.000 năm được đặt trong cung cấm, du khách chỉ có thể đứng ở bên ngoài cửa để chiêm bái và vái vọng Ngài. Không chỉ có những bức tượng vô giá mà trong tòa Tam bảo còn có những bức đại tự chữ vàng, câu đối khảm trai được chạm khắc tinh xảo. Nhiều cổ vật quý hiếm cũng được lưu giữ trong chùa Keo cho đến ngày nay như: Bộ thuyền rồng, Bộ hạc khí, chuông đồng, đôi chân đèn đời Mạc. Tượng Phật, tượng Thánh với những nét chạm khắc tinh xảo, tất cả như chìm trong ánh nến lung linh, trong làn khói hương thơm ngát, khiến du khách như lạc vào cõi Phật linh thiêng, huyền ảo.

Hai bên chùa chính là hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 33 gian được kiến tạo theo lối kiến trúc Cột – Kèo - Mái để du khách sắp lễ và nghỉ ngơi; xa xa là hai hồ nước bao quanh, trên bờ có bóng cây tỏa mát, có ghế đá cho du khách ngồi nghỉ, hưởng làn gió mát từ mặt hồ hắt lên. Không chỉ có 3 hồ nước mát lành, trong khuôn viên chùa Keo còn có một cái giếng cổ độc đáo được xây nên từ 33 chiếc cối đá cổ, thủng đáy. Tại sao lại là cối đá thủng? Tương truyền rằng, đây chính là những cối đá dùng để giã gạo nuôi thợ xây chùa, giã nhiều nên thủng. Đây là thông điệp mà những người thợ muốn gửi rằng, có công mài sắt có ngày nên kim và cũng nhờ sự kiên trì đó, chùa Keo đã được hoàn thành.    

Nói đến chùa Keo, không thể không nói đến Tháp chuông, nó là biểu tượng của chùa, biểu tượng của văn hóa tâm linh đã được giới thiệu trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tháp chuông là tác phẩm kiến trúc độc đáo, cao 11,04m, được coi là tháp chuông cao nhất trong tất cả hệ thống chùa ở Việt Nam. Nó hoàn toàn được kiến trúc bằng gỗ gồm 3 tầng, mỗi tầng 4 mái, hệ thống chấn song cũng được làm bằng gỗ nhưng có họa tiết rồng mây, hoa lá. Hiện nay, trong Tháp có treo một chiếc Khánh đá cổ, dài 1m và chiếc chuông đồng cao 1m3, đường kính 0,9m được đúc vào năm 1686 đời vua Lê Hy Tông và hai chiếc chuông nhỏ hơn cao 0,62m, đường kính 0,69m được đúc vào năm 1796 thời Cảnh Thịnh.

Hàng năm, lễ hội chùa Keo diễn ra vào mùa Xuân từ mồng 4 Tết và hội mùa Thu từ ngày 13 tháng 9 Âm lịch đến ngày Rằm chính hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đã thu hút được hàng vạn du khách ở trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Bởi vậy, dân gian có câu ca dao về hội chùa Keo:

Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

 

Vũ Đảm

.