Tết Nguyên đán trong tâm thức người Việt Nam là rất hệ trọng. Tết là dịp để sum họp gia đình. Dù đi làm ăn xa xôi, bận rộn đến nhường nào, người ta cũng gắng thu xếp công việc để về gia đình ăn Tết. Những cái Tết xa nhà đều là những ngày nhớ nhung khắc khoải. Người ở nhà thì nhắc nhỏm vào ra. Tết đối với ngưòi khá giả là đi sắm tết, chơi tết. Tết với người nghèo là lo tết.
Hà Nội, người dân đón tết trong những ngày gió bấc se lạnh. Từng nhà đều quét tước tinh tươm sạch sẽ. Bánh trái, đồ uống, thực phẩm đã được khuân về. Mâm cỗ tất niên để cúng ông bà, ông vải vào trưa ngày 30 tháng Chạp bao giờ cũng được chuẩn bị kĩ càng. Người đàn ông chủ gia đình( người cha) lo việc lau chùi các đồ thờ từ vài ba hôm trước. Người mẹ và các em gái phải lo cỗ bàn ở, lau cọ tủ, rửa ấm chén sứ, đánh đỉnh hương, cây nến sao sáng choang. Mâm cỗ tất nhiên được mẹ cùng các chị em chuẩn bị công phu và cầu kì lắm. Thường là phải đủ 4 bát, 9 đĩa bát canh bóng màu trong như hổ phách, lại xốp và giòn như miếng bánh bò Tàu. Trước đây người ta dùng bằng bóng cá thủ. Nay các nhà sản xuất đã dùng bì lợn, chỗ da cổ và lưng để chế biến. Miếng bóng được tẩy kĩ bằng gừng dã nhỏ và rượu trắng rồi cát lát hình vuông hoặc hình quả trám. Su hào thái vuông quân cờ xanh trong như màu ngọc bích. Cà rốt tỉa hoa mỏng vàng cam như đoá hoa đồng nội. Nước dùng nấu bóng phải là nước luộc gà trong suốt, có tý bọt nào phải vớt hết bỏ đi. Cho thêm một ít tôm nõn khô để làm ngọt nước dùng. Bát canh bóng cũng có thể cho thêm vài cánh đậu Hà Lan, vài miếng súp lơ để lấy màu. Mộc nhĩ, thịt thăn thái mỏng không thể thiếu. Canh bóng múc ra bát rồi lại rắc thêm trứng gà tráng thật mỏng và thái chỉ lăn tăn. Vài ngon rau mùi thấp thoáng càng làm cho sắc men trắng muốt của chiếc bát sứ thêm sang trọng, gợi thèm. Lại đến bát canh ninh với nguyên liệu là măng lưỡi lợn và khuỷu móng giò chẻ đôi và buộc chặt bằng lạt. Măng khô ngâm trong nước gạo cả ngày, vớt ra thái vuông rồi mới cho vào ninh với khuỷu móng giò. Mỗi bát canh chỉ đơm vài cục móng giò voi 7, 8 miếng măng là vừa đủ. Trên mặt bát canh ninh phải rải một lớp miến nằm dưới mấy củ hành trần.
|
Mâm cỗ tất niên ngày tết (nguồn internet) |
Món măng khô nâu nâu, màu lá hành xanh mướt, khúc móng giò hơi vàng như màu nghệ nhạt, bát canh ninh màu mỡ nhưng ăn lại không bao giờ ngán. Nấu được bát mọc ngon cũng khá cầu kì. Nấm hương phải là nấm hương rừng. Loại nấm hương của người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai được gọi là loại nấm ngon và thơm nhất. Nghe nói loại này chỉ mọc ở những cây sung nên nấm có mùi thơm sâu hoang dã. Nấm hương phải ngâm kĩ, rửa sạch, cắt hết chân, ráo rồi mới nêm giò sống vào từng cánh nấm. Nước nấu mọc cũng là nước luộc gà. Hạt sen trần hầm thật nhừ rồi mới thả nấm vào. Có người còn cho thêm trứng cút, nhưng cũng có nhiều người chê là tanh, không thích. Bát canh mọc trong veo. Hạt sen chìm im lặng. Những cánh nấm mang đầy giò nổi bềnh bồng. Nếu không có những sợi rau mùi loáng thoáng chắc chúng còn phiêu du lang bạt kì hồ! Bát canh thứ tư là bát miến. Xưa kia người Hà Nội thường dùng miến Tàu. Người ta bảo thứ miến này tinh chế từ bột đỗ xanh. Sau này, gặp thời buổi khó khăn các bác “khéo tay” chế biến thành công sợi miến làm bằng củ dong riềng. Canh miến nấu bằng nước suýt với bộ nội tạng gà thái chỉ. Đây cũng là bát canh mát, ít mỡ nên ăn không hề ngấy.
Những bát canh đặt vào bốn góc mâm, chính giữa là bát nước mắm ngon, thơm, mặm mòi mùi sóng biển. Hạt tiêu xay nhỏ rắc vào, quá tay sẽ hắt xì hơi. Đầu vị là đĩa thịt gà ri chặt miếng to, vuông vức xếp úp trên đĩa, da vàng nhẫy điểm thêm chút lá chanh bánh tẻ thái lăn tăn nhưng những đoạn chỉ xanh. Giò bò, giò nạc, giò xào, chả quế, giò nây, cá mè kho giềng đều là những món ăn nguội, chúng hợp lực với bốn bát canh tạo thành mâm cỗ Việt Nam đầy màu sắc ẩm thực lại đậm đà bản sắc dân tộc. Giò, chả thì có thể mua sẵn hoặc giã lấy như những năm hợp tác xã còn chia thịt tết cho xã viên. Nhưng riêng giò nây thì phải tự làm. Chọn miếng thịt ba chỉ to như chiếc quạt nan. Rửa sạch, xát muối tiêu vào phần thịt rồi cuộn tròn buộc lạt, gông thít cho rõ chặt rồi cho vào nồi luộc thật dừ. Giò nây thường làm trước tết vài ngày. Giò nây ăn kèm với dưa hành. Ngoài đĩa thịt nạc bầy cỗ, ta còn không thể quên món nem chạo trộn vào mấy chiếc lá ổi rồi bọc kín trong lá chuối tươi. Từng quả nem được gói tu hú treo lủng lẳng như những chiếc kim tự tháp xinh xinh màu xanh nõn. Thứ đồ nhắm này quả là tốn rượu. Bánh trưng bóc ra rồi dùng lạt tước nhỏ sắt thành 8 miếng rồi bầy trên đĩa sứ. Rau sống, dưa hành cũng phải đưa cả lên.
Mâm cỗ tinh tươm đã được bày trang trọng trên bàn thờ. Sáu chiếc bát sứ , sáu đôi đũa mum, sáu chiếc chén hạt mít cũng được sắp xếp bên thành mâm. Sửa áo, thành kính nhìn lên bài vị gia chủ khấn vái: Na mô a di đà phật, lậy các vị tiền bối, lạy sơn thần thổ địa, …gia đình chúng tôi lòng thành sửa mâm cỗ tất niên, mời chư vị về đây âm hưởng phù hộ độ trì cho toàn gia mạnh khoẻ, các con học hành tấn tới…
Mùi thơm ngào ngạt của thức ăn, của hương khói lẫn trong niềm vui xốn xang…một năm mới bắt đầu.