Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ như mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII. Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: LT)

Hiện nay, tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Động Tàng Chơn có 20 ma nhai. Động Vân Thông có 2 ma nhai. Động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc (thuộc Danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Theo ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, USESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam vào danh sách các Di sản khu vực và thế giới. Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, là kết quả của những nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, đặc biệt phải nói tới vai trò của cộng đồng người dân có di sản và sự quyết tâm bảo vệ di sản của Thành phố Đà Nẵng.

Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng - loại di sản tư liệu này có số lượng ghi danh khiêm tốn trong các danh sách di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và lan tỏa các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với bạn bè, đồng nghiệp khu vực và trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Đoàn du khách Malaysia tham quan, tìm hiểu các ma nhai tại động Tàng Chơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn). (Ảnh: LT)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2019, nhìn nhận được những giá trị lớn, quý hiếm, độc đáo của hệ thống di sản tư liệu này, thành phố đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh di sản tư liệu. Kết quả, vào ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

leftcenterrightdel
 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận ma nhai là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho TP Đà Nẵng. (Ảnh: LT)

“Đây là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho cháu con được vinh danh, được cam kết giữ gìn để tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đây đồng thời cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương đến cộng đồng trong nước và quốc tế”, bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ.

 

 

PV