Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi Anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược và cũng là nơi an táng, thờ cúng, tri ân các vị vua và hoàng hậu triều Lê Sơ.
Cây lim "hiến thân" xây chính điện Lam Kinh
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh. Trong số đó có Chính điện Lam Kinh, công trình kỳ vĩ bằng gỗ lim, với nhiều hạng mục bên trong được làm bằng vàng thật.
|
|
Một góc chính điện Lam Kinh, nơi cây lim "hiến thân" phục hồi phỏng dựng. |
Tại khu di tích Lam Kinh, có một cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh. Điều lạ lùng hay sự trùng khớp ngẫu nhiên, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.
Khi cây được hạ xuống, thông thường lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng cây lim này lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Chỉ một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: Cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/2010. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với gương tảng cột quân.
Lý giải cho "sự ra đi" bất thường của cây lim, nhiều người cho rằng: Dường như cây Lim này sinh ra là để xả thân làm nghĩa vụ phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế. Đây là cả một câu chuyện kỳ bí, ẩn chứa nhiều điều tâm linh mà đến nay nhiều người vẫn không thể lý giải được.
Một điều kỳ lạ hơn nữa, tại vị trí cây lim "hiến thân" đã sống khoảng 600 năm, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã có nhiều lần trồng vào đó cây lim nhỏ để thay thế nhưng không có cây nào sống được.
Bà Lê Thị Thức, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cho biết: Nhiều giả thiết sau đó đã được đưa ra, trong đó các nhà khoa học lâm nghiệp và tâm linh tính toán, có thể tuổi cây lim trùng với tuổi của vua Lê Lợi, hoặc trùng với thời điểm khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, hay là trùng với tuổi ông lên ngôi hoàng đế. Vì thế, khi đưa vào công trình, cây lim được định vị là cây cột cái, nằm trong hậu điện (nơi nghỉ ngơi của vua trước đây), là chốn cung cấm linh thiêng nhất với vị trí đắc địa nhất. Khi dựng 138 cột trong chính điện, cột cái cũng được dựng lên đầu tiên. Cây cột này đứng gần long sàng, nơi ngủ của đức vua Lê Lợi giống như đứng canh giấc ngủ cho vua vậy.
Cây ổi biết cười
Cây ổi gần 90 năm tuổi ở Khu di tích Lam Kinh thu hút du khách thập phương với "năng lực" kì lạ, chỉ cần gãi nhẹ vào gốc hoặc thân cây là tất cả tán lá đều rung lên như đang cười.
|
|
Du khách hiếu kỳ sờ vào thân cây ổi khiến đầu lá đều rung lên bần bật. |
Cây ổi nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, phía sau hàng tượng quan hầu và tượng con rồng đang chầu trước mộ vua. Cây ổi khẳng khiu gầy guộc, cao chừng 3m, lá nhỏ, năm nào cũng ra rất nhiều quả. Khi chúng ta sờ nhẹ lên thân cây, đầu lá sẽ rung lên bần bật. Từng lá như những ngón tay nhỏ mở ra, cả khi trời lặng gió. Còn nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại, sẽ có cảm giác khác lạ, giống như đang chu du ở nơi nào đó, người bỗng thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Hầu như ai đến đây cũng thử trải nghiệm sự kỳ lạ thú vị này.
Theo lời chia sẻ của hướng dẫn viên trong khu di tích, năm 1933, ông Trần Hưng Dẫn (thôn Hành Thiện, Nam Định) đã vào cung tiến. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ.
Vào năm 1994, khi du khách đến đây tham quan thì phát hiện ra cây ổi đã có những tín hiệu kỳ lạ khi ai đó chạm vào. Theo đó, chỉ cần gãi nhẹ vào gốc hoặc thân, tất cả các tán lá đều rung lên.
Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Chuyện tình cây đa thị
Cây đa thị nằm ở một góc của sân Rồng, gần Ngọ môn (còn gọi là Nghi Môn) của chính điện Lam Kinh. Gốc đa chằng chịt rễ cây và to đến mức cả chục người ôm mới xuể. Sở dĩ người ta gọi là cây đa thị, bởi chỉ có 1 gốc nhưng 2 cây. Đã 300 năm trôi qua, cây đa thị vẫn xanh tốt, tỏa bóng mát xuống sân Rồng...
Theo lời những người gắn bó lâu năm với khu di tích Lam Kinh kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang án ngữ là một cây thị. Ngày ấy chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa để ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây đa thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều gốc khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc.
Tương truyền, “chuyện tình” cây đa thị tồn tại hàng trăm năm qua. Thời sung sức cây đa và cây thị cùng nhau xanh tốt, cành lá quấn quýt vươn ra đón ánh nắng mặt trời. Mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa.
|
|
Cây đa thị hơn 300 năm tuổi nằm ở một góc của sân Rồng, trong chính điện Lam Kinh. |
Gần 10 năm sau ngày cây thị chết, năm 2016, Ban Quản lí Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh không khỏi bất ngờ khi phát hiện từ góc bên phải của cây đa mọc lên một cây thị. Người dân vùng đất thiêng Lam Kinh gọi đó là sự hồi sinh của “mối tình” tri kỉ.
Cũng vì sự hồi sinh kì lạ này mà mỗi khi nhắc tới cây đa thị ở Khu Di tích Lam Kinh, nhiều người thường liên tưởng đến mối tình thủy chung, trường tồn cùng đất trời. Ngày nay, các cặp đôi uyên ương khi về thăm vùng đất thiêng Lam Kinh thường tìm đến gốc cây đai thị để cùng ước nguyện được ở với nhau trọn đời.
Năm 2013, cây đa thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.