Sáng 27/4, tại khuôn viên khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, và đón nhận chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách trong nước và Quốc tế.
|
|
Các đại biểu có mặt tại lễ đón nhận chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.
|
Lễ hội bắt đầu với nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng hương, tấu trình chúc văn kính cáo anh linh Hoàng đế Lê Đại Hành và các bậc tiền nhân. Tiếp đó là màn trống hội sôi động, hào hùng thể hiện cho hào khí, tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Tại buổi lễ, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã đọc diễn văn khẳng định vai trò, công đức và sự nghiệp hiển hách của Hoàng đế Lê Đại Hành; tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm và sự đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.
Hoàng đế Lê Đại Hành, tên húy là Lê Hoàn, sinh năm 941, tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu, nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ, cai quản quân đội của Đại Cồ Việt và trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, năm Canh Thìn (năm 980), Lê Hoàn lên ngôi lấy tên gọi là Lê Đại Hành.
Trong thời gian trị vì, ông thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc, lập nhiều chiến công hiển hách và thực hiện nhiều cải cách tiến bộ vượt bậc. Năm Ất Tỵ (năm 1005), Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, hưởng thọ 64 tuổi.
Để tỏ lòng tri ân công đức cao dày của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành đối với dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi sinh ra ông để thường xuyên thờ phụng. Cùng với xây dựng Đền thờ, các thế hệ người dân trong vùng đã hình thành và phát triển nên một lễ hội đặc sắc - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.
|
|
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. |
Trong khuôn khổ buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa để địa phương tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội.
Lễ hội được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống tái hiện lại nhiều tục lệ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân dưới triều Hoàng đế Lê Đại Hành, các “Trại binh thời Lê Hoàn”, tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian.
Trong những ngày lễ hội diễn ra, đông đảo bà con nhân dân, du khách thập phương đã đến thắp hương tỏ lòng thành kính và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại lễ hội./.