Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2023 ước đạt 6,21%. Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,22%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,66%; dịch vụ tăng 10,91%; thuế sản phẩm giảm 4,08%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh đã trồng được 2.250 ha rừng tập trung, bằng 22,5% kế hoạch và tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 5,2%.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ các thị trường trong nước và thế giới; song, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,55% so với cùng kỳ; có 17/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ.
Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch được các đơn vị tích cực thực hiện. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Phát triển doanh nghiệp đến ngày 20/3, có 471 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 15,7% KH, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước; có 270 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động. Nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp quý I ước đạt 3.400 tỉ đồng, chiếm 54,6% tổng thu nội địa, bằng 38,7% dự toán và tăng 8% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.382 tỉ đồng, bằng 29% dự toán và giảm 20% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước quý I ước đạt 10.183 tỉ đồng, bằng 25% dự toán và tương đương với cùng kỳ.
|
|
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu một số nhiệm vụ, các ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện trong tháng 5. |
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được các lãnh đạo tỉnh quan tâm. Các đồng chí lãnh đạo đã tiếp, làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính để kêu gọi đầu tư vào tỉnh, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Từ đó, đã thu hút được 14 dự án đầu tư (1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.738 tỉ đồng và 1 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 42 triệu USD; Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.526 tỉ đồng, bằng 23,2% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ trong quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Thu ngân sách nhà nước quý I năm 2023 đạt tỷ lệ khá so với kế hoạch, nhưng giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 20%). Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa còn rất chậm. Công tác xúc tiến đầu tư, kết quả thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn; hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ (tăng 12,4%). Tiến độ giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình MTQG, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt yêu cầu; việc hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới còn rất chậm.
Để giải quyết những vấn đề, khó khăn còn tồn tại trong thời gian qua, trong phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 25/4, Ông Đỗ Minh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 4/2023 tương đối toàn diện, nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực có chiều hướng tăng trở lại. UBND tỉnh đã đưa ra những quyết định táo bạo, mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng phân tích, nêu bật những hạn chế, yếu kém liên quan đến hoạt động thu ngân sách Nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất của một số Sở, ngành chưa cao; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm vẫn còn diễn ra...
Cùng với nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu một số nhiệm vụ, ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện trong tháng 5 như: Tổ chức hội nghị bàn sâu về nhiệm vụ cải cách hành chính và các chỉ số cải cách hành chính; hội nghị giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng; hội nghị phòng, chống lụt bão...; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt, hiệu quả hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài cụ thể đối với hoạt động này. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu ngân sách Nhà nước.