Cổ vật… "đội nón" ra đi!
Cập nhật lúc 13:21, Thứ hai, 20/01/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới là nơi tập trung nhiều cung điện, lăng tẩm, đền đài của triều Nguyễn, cũng là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật quý hiếm có niên đại hàng trăm năm. Tuy nhiên, những cổ vật quý luôn nằm trong “tầm ngắm” của giới săn lùng đồ cổ và vì thú chơi họ sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu một vài món đồ cổ. Bởi vậy, nhiều đạo chích đã tìm mọi thủ đoạn để lấy cắp bằng được các loại cổ vật này nhằm thu lợi bất chính....
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan điều tra CA tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khám xét hiện trường, thu thập các vật mẫu và lấy lời khai những người có liên quan. Đến nay, công tác điều tra vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhận xét, trong nhiều năm qua, các điểm di tích, lăng tẩm thuộc trung tâm quản lý luôn bị nhiều kẻ xấu nhòm ngó, đặc biệt là các bảo vật quý bằng vàng, bạc, đồng, gỗ... của các vua chúa, nhất là các cổ vật có từ thời triều Nguyễn. Tuy nhiên đến nay, công tác bảo vệ ở các di tích còn quá thiếu và yếu bởi không có nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống an ninh, camera giám sát đã khiến công tác bảo vệ các cổ vật ở di tích gặp rất nhiều khó khăn…”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó không lâu, lăng Tự Đức cũng bị kẻ gian đột nhập lấy trộm một lư hương bằng đồng. Dù hiện vật bị đánh cắp là vật phục chế, còn hiện vật gốc đang được cất giữ cẩn mật ở nhà kho của trung tâm, nhưng từ đây có thể nhận thấy công tác quản lý, bảo vệ ở đây còn nhiều kẻ hở.
Lần về thời gian vào đầu tháng 12/2010, lăng vua Khải Định (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, nằm xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) cũng bị trộm đột nhập lấy thùng phước sương và nhiều đồ vật quý giá có từ thời triều Nguyễn. Các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và làm rõ đối tượng Nguyễn Tiến Khanh (trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) đã đột nhập vào lăng thực hiện vụ trộm cắp này. Khanh khai nhận từ trước đến khi bị bắt đã thực hiện trót lọt đến… 9 vụ trộm ở các lăng tẩm, đến khi thực hiện vụ trộm cổ vật thứ 10 ở lăng vua Thiệu Trị thì bị sa lưới.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế lo ngại rằng, việc các cổ vật ở lăng vua Tự Đức là tài sản hiếm có của quốc gia bị mất trộm có ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị lịch sử của di tích, bởi vì hầu hết các cổ vật đều là vật dụng, gắn liền sinh hoạt mọi mặt của các đời vua chúa phong kiến. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn và ngành chức năng không có biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và hiệu quả hơn, thì tình trạng trộm cắp cổ vật vô giá sẽ còn diễn ra dài dài và xảy ra tại nhiều di tích khác.
Hoàng Bình