Chợ quê xứ quảng trên từng trang viết
Cập nhật lúc 01:36, Thứ tư, 27/01/2016 (GMT+7)
Có gì rộn ràng và xao lòng hơn không khí của chợ quê ngày Tết? Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt viết về Tết quê: "Tết quê, không khí Tết quê, gần gũi hơn Tết phố. Nó gần gũi đến mức nhiều khi tôi mường tượng rằng mình có thể "cầm nắm" được". ( Chợ quê, Chợ Tết, Tết Nguyên Đán)
Có gì rộn ràng và xao lòng hơn không khí của chợ quê ngày Tết? Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt viết về Tết quê: "Tết quê, không khí Tết quê, gần gũi hơn Tết phố. Nó gần gũi đến mức nhiều khi tôi mường tượng rằng mình có thể "cầm nắm" được".
Và tấm lòng để lại...
Một điều đặc biệt trong những bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt, là dù những bài viết ấy mộc mạc, thân thương, ai cũng có thể nhận ra sự tỉ mỉ, dày công và tấm lòng đau đáu yêu thương dành cho những nét văn hóa dân gian của vùng đất Quảng. Những chi tiết trong các bài viết về chợ Thu Bồn của nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt, hẳn là còn trong ký ức nhiều người dân xứ Quảng: Hồi nửa đầu thế kỷ XX, về hàng ăn uống, chợ Thu Bồn có hai quán bán mì Quảng là quán ông Hòe và quán bà Một. Trong đó, quán mì ông Hòe nổi tiếng nhất. Mì ở đây là mì cá tràu (cá lóc). Đặc biệt, những ai đi buôn mà ở lại chợ Thu Bồn đều xin nghỉ trọ tại nhà ông Hòe. Tiếng là nghỉ nhà trọ, ngủ qua đêm nhưng không phải trả tiền bạc gì, chủ yếu nghỉ nhờ. Chỉ đến bữa ăn mì và trả tiền mì cho ông mà thôi...
Lang thang khắp các miền quê xứ Quảng, Phạm Hữu Đăng Đạt nhận ra dọc theo tuyến đường sông Thu Bồn có không biết bao nhiêu là chợ cạnh bến sông từ chợ Hội An đến chợ Bàn Thạch, chợ Thu Bồn, chợ Trung Phước... Anh viết: Nghiên cứu về chợ xưa, người ta rút ra một điều gần như quy luật bất thành văn trong lịch sử hình thành và phát triển của các chợ Quảng Nam: hầu hết chợ nguyên thủy đều được lập trên chỗ đất cạnh bến sông. Nguyên nhân rất đơn giản, vì thời xưa, việc giao thông đi lại rất khó khăn...
Phạm Hữu Đăng Đạt có một bài viết cặn kẽ về chợ Trung Phước, một trong những chợ có lịch sử khá lâu đời của vùng tây Quảng Nam. Với vị trí đặc biệt, chợ Trung Phước trở thành chợ trung chuyển giữa miền xuôi và miền ngược, mà hẳn là câu ca dao xứ Quảng "Ai về nhắn với bạn nguồn. Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên" đã được cất lên từ đây. Anh viết kỹ càng và cụ thể: Mặt hàng chở từ chợ Trung Phước đi về xuôi chủ yếu là lâm thổ sản: như chuối xanh, quả thơm, củi...Mặt hàng chở lên có cá, mắm, muối, vải, dầu thắp, thuốc men...Đặc biệt, ở Trung Phước có bến sông gọi là Bến Tranh chuyên bán tranh lợp nhà. Trước năm 1945, nhiều hộ dân ở H. Nông Sơn có nghề cắt tranh, đánh thành tấm đem ra Bến Tranh bán. Gắn bó với chợ quê xứ Quảng, nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt cảm nhận rất rõ những chuyển biến, đổi thay trong cuộc sống của cư dân địa phương qua sự phát triển của các ngôi chợ vùng quê. Song, cũng như những nét văn hóa yêu thương của quê hương không thể phai mờ, anh luôn cho rằng: "Trong cuộc sống này, cái gì mất thì sẽ mất đi, cái gì còn thì sẽ còn mãi". Và câu nói đó, hẳn đã đúng với tấm lòng của anh dành cho vùng đất quê hương mình.
Theo Báo Công An Đà Nẵng
.