Theo quyết định, các nhóm dự án được phân kỳ đầu tư, ưu tiên thực hiện trong 3 giai đoạn, từ năm 2023 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, giai đoạn 2023-2026 sẽ triển khai các nhóm dự án số 1, 2, 3 một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7, giai đoạn 2026-2030 sẽ triển khai các nhóm dự án số 4, số 5 và một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7. Còn giai đoạn 2030-2050 triển khai hoàn thành các dự án còn lại. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Đà Nẵng quản lý, bảo vệ Danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch. Đồng thời tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng này trở thành không gian văn hóa, tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố.

leftcenterrightdel
 Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: LT)

Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2. Cụ thể, phía đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng ven biển, phía tây giáp sông Cổ Cò, phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng, phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

Trong đó, khu chức năng liên quan đến bảo tồn cấu trúc danh thắng được điều chỉnh mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ 1 của Danh thắng Ngũ Hành Sơn thành 189.821m2, gồm: diện tích khu vực cảnh quan của 6 ngọn núi (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn), diện tích bổ sung của khu vực núi Ghềnh (8.373m2) và phần núi đá phía Đông Nam Âm Hỏa Sơn (328m2).

Còn khu chức năng liên quan đến tôn tạo, phát huy giá trị danh thắng sẽ gồm các khu vực công cộng (sân khấu biểu diễn có mái che, công viên thiếu nhi, khu sinh hoạt cộng đồng…), dịch vụ du lịch (không gian quảng trường, dịch vụ ẩm thực, trưng bày và bán các sản phẩm nghề thủ công truyền thống…), không gian cây xanh, không gian bổ trợ và hệ thống giao thông. Không gian kiến trúc, cảnh quan được quy hoạch theo định hướng bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và bổ sung các yếu tố nhận diện mới phù hợp. Trong đó, bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực như: hệ thống núi đá vôi và các hang động (chỉnh trang cảnh quang, hệ thống chiếu sáng).

leftcenterrightdel
 Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh: LT)

Ngoài ra còn có các công trình di tích, điểm danh thắng; hệ thống bia ma nhai; các vị trí, khu vực khảo cổ; hệ sinh thái và các di sản văn hóa phi vật thể (Lễ hội Quán Thế Âm, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc).

Theo định hướng, khu Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn sẽ xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẵn có của khu vực như: Hệ thống núi đá, hang động, công trình di tích... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...

Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập..., đồng thời khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, mặt nước sông Cổ Cò kết nối với giao thông thủy nội địa để đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như trồng trọt, chăn nuôi, câu cá trên sông, chèo, đua ghe, thuyền truyền thống...

leftcenterrightdel
 Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm tham quan thu hút du khách với nhiều hang động kỳ bí, các chùa chiền và cảnh thiên nhiên đẹp lộng lẫy.

Tổ chức các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch ban đêm trong khu vực danh thắng theo định hướng chung của ngành du lịch thành phố. Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẵn có của khu vực như: Hệ thống núi đá, hang động, công trình di tích... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...

Cùng với đó, cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm du lịch mới phát triển, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động du lịch.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại Làng nghề đá truyền thống Non Nước; tổ chức lại và hình thành không gian kinh doanh thương mại các sản phẩm đá mỹ nghệ phù hợp cảnh quan chung, bảo đảm mỹ quan đô thị; có lộ trình di chuyển các cơ sở sản xuất đá gây ô nhiễm ra ngoài khu vực…

Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, để gìn giữ và phát huy giá trị, giai đoạn tới Danh thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sẽ ứng dụng chuyển đổi số để bạn bè quốc tế có thể tham quan và tìm hiểu tư liệu văn hóa khi chưa tới Việt Nam từ đó, quảng bá, kích thích sự tò mò, mong muốn khám phá của du khách.

leftcenterrightdel
 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Ma nhai là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho TP Đà Nẵng. (Ảnh: LT)

Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 844.919 lượt khách đến tham quan (trong đó khách nước ngoài 596.650 lượt); hơn 514.000 lượt khách sử dụng thang máy tham quan ngọn Thủy Sơn. Tổng thu ngân sách đạt gần 36 tỉ đồng.

Trước đó, Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng được công nhận là một trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

L.T