Vẫn còn 2 học sinh phải nằm viện theo dõi
Liên quan đến hàng loạt học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) phải nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm, ngày 31/3, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo UBND phường Kim Giang cho biết, sáng nay còn 2 học sinh vẫn đang nằm viện theo dõi.
Lãnh đạo UBND phường Kim Giang cũng thông tin thêm, về nguyên nhân ban đầu vụ việc đã được cơ quan chức năng công bố do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản sức khỏe các con đã ổn, chỉ còn 2 học sinh được phụ huynh cho ở lại viện để theo dõi thêm.
|
|
Nhiều học sinh trường Tiểu học Kim Giang đã phải nằm viện để theo dõi sức khỏe vì ngộ độc thực phẩm. Ảnh: C.Phương. |
Sở Y tế Hà Nội thông tin về nguyên nhân ban đầu khiến 72 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn. Phía Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến.
Vụ việc mất an toàn thực phẩm xảy ra tại Trường Tiểu học Kim Giang xuất phát từ bữa trưa ngày 28/3 (Thứ ba) tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) theo Chương trình ngoại khóa Trải nghiệm do nhà trường tổ chức cho học sinh khối 1 và 2.
Vào khoảng 6h 45 ngày 28/3, nhà trường có tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh. Học sinh ăn trưa và nghỉ ngơi tại lán nghỉ.
Theo đó, bữa trưa gồm các món ăn: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Các món ăn này được vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm do đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho Trường Tiểu học Kim Giang là Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh thực hiện.
Chiều cùng ngày, khi di chuyển về trường, nhiều học sinh xuất hiện biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng nghi bị ngộ độc thực phẩm đã phải nhập viện. Tính đến sáng ngày hôm sau, đã có hơn 70 học sinh được đưa đến các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai; Đa khoa Đống Đa; Xây Dựng; Nhi trung ương và Đa khoa Xanh Pôn.
Doanh nghiệp thu gần 1,6 tỉ đồng tiền ăn bán trú mỗi tháng
Trở lại vấn đề mất an toàn thực phẩm xảy ra tại Trường Tiểu học Kim Giang, được biết, hiện Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh cung cấp cho Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho gần hơn 2.000 học sinh ăn bán trú tại trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh có trụ sở chính tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội do ông Nguyễn Văn Ninh làm Tổng Giám đốc còn là đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân như: Trường Tiểu học Đặng Trần Côn; Tiểu học Thanh Xuân Trung; Tiểu học Thanh Xuân Bắc; Tiểu học Thanh Xuân Nam; Tiểu học Nguyễn Trãi…
Về nguồn gốc thịt gà nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng của Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh để có câu trả lời nhưng không thể liên lạc được.
|
|
Trường Tiểu học Kim Giang, nơi xảy ra vụ ngộc độc thực phẩm khiến nhiều học sinh phải nhập viện. Ảnh: C.Phương. |
Để tìm hiểu về quy trình lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú tại Trường Tiểu học Kim Giang và nhiều trường trên địa bàn quận Thanh Xuân, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân nhưng ông Hữu đề nghị phóng viên liên hệ với cơ quan an toàn thực phẩm của quận là Phòng Y tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú tại Trường Tiểu học Kim Giang và nhiều trường trên địa bàn quận Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu nói là do Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường.
Phóng viên cũng nhiều lần liên hệ với bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân, là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm để làm rõ trách nhiệm trong việc để đơn vị cung cấp suất ăn bán trú trường học mất an toàn.
Tuy nhiên, dù nhiều lần liên hệ nhưng bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân đều không trả lời. Phóng viên cũng nhiều lần gọi điện và nhắn tin nhưng đều không nhận được câu trả lời. Thậm chí, có người nghe máy nhưng nói bà Diệp đi họp để quên điện thoại ở phòng làm việc.
Còn trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lựa chọn Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh là đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho hơn 2.000 học sinh hàng ngày có đảm bảo đúng quy trình, lấy ý kiến và sự nhất trí của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang khẳng định, việc lựa chọn Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh là đơn vị tốt và chất lượng nhất thời điểm lúc đó.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang lại không thông tin về quy trình lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang Nguyễn Thị Ngân Bình cho biết, do đang bận nhiều việc phải giải quyết nên chưa thể cung cấp.
|
|
Ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân và bà Nguyễn Thị Ngân Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang trả lời một số báo về vụ việc. Ảnh: SKĐS. |
Điều khó hiểu là, khi phóng viên liên hệ với lãnh đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, lãnh đạo Trường Tiểu học Kim Giang lại tìm cách né tránh.
Thực tế thời gian qua, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra ở một số trường trên địa bàn Thủ đô, nhiều phụ huynh đã lên tiếng bức xúc về việc con em họ hàng ngày phải ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ đơn vị cung cấp thiếu uy tín nhưng gắn mác đơn vị “chất lượng trên giấy”. Phụ huynh gần như không được quyền lựa chọn mà quyền quyết định là Hiệu trưởng chọn đơn vị tốt, có tâm với học sinh thì con họ được bữa ăn chất lượng và ngược lại.
Một phụ huynh kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm thẳng thắn chia sẻ, không dễ gì để được cung cấp hàng ngàn suất ăn bán trú mỗi ngày tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp cũng rất khốc liệt, đơn vị nào “chịu chi” là một ưu thế. Điều này đồng nghĩa với việc suất ăn của học sinh bị cắt xén.
Như tại Trường Tiểu học Kim Giang với gần 2.400 suất ăn bán trú mỗi ngày, mỗi suất ăn 30.000 đồng, đơn vị cùng cấp suất ăn thu gần 72 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng bình quân 22 ngày, doanh nghiệp thu gần 1,6 tỉ đồng tiền ăn bán trú mỗi tháng.
Với doanh số “khủng” như vậy, thị trường cung cấp suất ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tiêu cực, để những doanh nghiệp nguồn thực phẩm không đảm bảo tham gia.
Trước những vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học sinh khi tổ chức bữa ăn bán trú.
Văn bản mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nêu rõ, nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú.