Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu chương trình đào tạo ĐH 3 năm được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp… thì rút ngắn thời gian đào tạo không những vẫn đảm bảo chất lượng mà còn tiết kiệm kinh phí, thời gian cho người học và cho toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là rút ngắn thời gian đào tạo đại học (ĐH) xuống còn 3-5 năm, giảm 1 năm so với hiện tại (từ 4-6 năm).
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu chương trình đào tạo ĐH 3 năm được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp… thì rút ngắn thời gian đào tạo không những vẫn đảm bảo chất lượng mà còn tiết kiệm kinh phí, thời gian cho người học và cho toàn xã hội.
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều sinh viên và các cựu sinh viên đều tỏ ra hào hứng với việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn 3 năm. Bởi lẽ việc giảm bớt một năm học sẽ giúp phần lớn SV tiết kiệm chi phí học tập, thời gian và giảm bớt gánh nặng kinh tế, nhất là đối với các gia đình có điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, việc học ĐH trong thời gian 3 năm cũng sẽ giúp SV có cơ hội được tiếp cận với môi trường lao động sớm.
|
Việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn từ 3-5 năm được đánh giá là phù hợp với xu hướng của các nước tiên tiến. Ảnh minh họa. |
Em Văn Đức Phú, SV năm thứ 3 trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: “Chương trình ĐH 4 năm hiện nay có nhiều phần kiến thức đại cương, trong đó có rất nhiều phần kiến thức được ôn lại của chương trình THPT khiến người học cảm thấy nhàm chán. Nếu đào tạo ĐH rút ngắn xuống còn 3 năm, phân bổ lại theo hướng giảm bớt kiến thức đại cương, đặc biệt là một số môn học lý thuyết không cần thiết; tăng cường kỹ năng thực hành và tập trung cho kiến thức chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và cả cơ hội cho SV”.
Chị Lê Thị Như Yến, cựu SV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho biết: “Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, có thể rút ngắn thời gian ở năm đầu tiên và năm thứ 4. Trong đó, năm đầu tiên thời gian học các môn đại cương hơi nhiều, trong đó có những môn không thật sự cần thiết, cần sàng lọc bớt để rút ngắn thời gian. Còn ở năm thứ 4, nhiều trường cho SV thời gian đi thực tập và làm đồ án quá nhiều, có khi mất 2/3 năm học, trong khi việc này SV có thể sắp xếp thực hiện làm vào các đợt nghỉ hè trong năm”.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn từ 3-5 năm là phù hợp với xu hướng của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường RMIT Việt Nam. Một số trường ĐH trong nước như ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hiện cũng đang thực hiện đào tạo theo khung thời gian này.
Điều này chứng tỏ, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH không còn là chuyện phi thực tế, hay đáng lo ngại về chất lượng “đầu ra”, bởi trong điều kiện hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiệu quả giảng dạy đã được cải thiện rõ rệt. Việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập mềm dẻo hơn.
Bên cạnh đó, đào tạo ĐH không còn chỉ cung cấp kiến thức cho sinh viên như trước đây mà phải hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Vì thế sinh viên không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian trên giảng đường mà dành nhiều thời gian hơn để tự học có hướng dẫn, tự nghiên cứu, thảo luận.
Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những qui luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy”.
Tuy vậy, GS Đào Trọng Thi cũng lưu ý: Việc ban hành khung cơ cấu giáo dục quốc dân, trong đó có quy định thời gian đào tạo ĐH xuống còn 3-5 năm là quy định mang tính định hướng chung, các trường không nên áp dụng một cách máy móc và phải vận dụng “khung” chung này một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
“Đối với các trường thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn thì việc rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống 3 năm là hoàn toàn có thể thực hiện được. Còn đối với các trường đào tạo theo hướng ứng dụng như kỹ thuật, y dược thì có thể vẫn giữ thời gian đào tạo từ 4-5 năm”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết:
Hiện nay, nhiều trường ĐH ở các nước áp dụng chương trình đào tạo bậc ĐH 3 năm, trong khi chương trình của nước ta đang là 4 năm. Điều này làm giảm cơ hội được sớm tham gia thị trường lao động của sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cắt giảm chương trình đào tạo từ 4 năm xuống 3 năm bắt buộc phải tính toán, sắp xếp lại chương trình các môn lý luận.
Bên cạnh đó, phải cải tổ toàn bộ chương trình theo hướng mạnh dạn cắt bỏ những học phần không cần thiết với ngành học, đồng thời cũng cần phải xác định rõ, các trường đào tạo định hướng nghiên cứu thì chương trình đào tạo phải khác hoàn toàn với trường đào tạo định hướng ứng dụng.
Theo Huyền Thanh/Công an nhân dân