Nếu không thích nghi được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động ASEAN, các trường ĐH, CĐ sẽ đứng trước nguy cơ không thể tồn tại.
Các trường ĐH, CĐ chỉ còn con đường duy nhất là đổi mới
PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, để chuẩn bị cho sự hòa nhập với cộng đồng ASEAN, Việt Nam đang thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, trong đó có bậc ĐH. Việc đổi mới này nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng nguồn nhân lực so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thực hiện Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường được phép tự chủ trong tuyển sinh và tài chính nhằm đổi mới cách đánh giá chất lượng “đầu vào” của thí sinh. Vì chất lượng “đầu vào” của thí sinh sẽ góp phần quyết định đến chất lượng “đầu ra” của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Để thúc đẩy các trường ĐH, CĐ hoạt động tốt hơn, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng khác cũng như nhiều tổ chức quốc tế đang thúc đẩy việc kiểm định chất lượng giáo dục, cũng như khuyến khích các trường tự đánh giá và kiểm định. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện để các trường ĐH, CĐ nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cải tiến cơ sở vật chất, chương trình giảng dậy… Như vậy, thông qua những giải pháp và các công cụ đánh giá, thẩm định và được ưu tiên đầu tư, các trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2013, Bộ GD-ĐT và Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng bàn thảo xây dựng Khung trình độ (KTĐ) quốc gia. Cho đến nay, hai bên đang hoàn tất các công đoạn xây dựng KTĐ quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét vào tháng 4/2014. Nếu được Chính phủ phê chuẩn, dự kiến, KTĐ quốc gia này sẽ được thực hiện tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề từ năm 2015. Điều đó cũng đồng nghĩa là việc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong cả nước sẽ có sự thay đổi căn bản và toàn diện.
Rõ ràng, với tư cách là cơ quan chủ quản, Bộ GD-ĐT đã có những việc làm và bước đi thiết thực nhất để các trường ĐH, CĐ có thể thích nghi với những thay đổi trong việc đào tạo nguồn nhân lực có thể hội nhập với khu vực. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu của các trường ĐH, CĐ và dạy nghề.
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một trong những mục tiêu rất lớn khi xây dựng Cộng đồng ASEAN là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, để các nước phát triển một cách đồng đều. Tuy nhiên, việc đó không chỉ phụ thuộc vào Chính phủ mà còn phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo, vào từng công dân để phát huy lợi thế của ASEAN. Nếu các trường ĐH, CĐ không năng động, không tạo ra lợi thế riêng thì sẽ dễ bị thua thiệt.
Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, các trường ĐH, CĐ sẽ phải đứng trước thách thức lớn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không thích nghi được những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, các trường sẽ đứng trước nguy cơ không thể tồn tại. Vì thế, các trường phải chủ động đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên để có được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho đất nước cũng như hội nhập với khu vực.
Đồng ý với quan điểm trên nhưng GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm cho rằng, nếu cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ đến đâu thì cũng chỉ là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực. Nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực chính là các trường phải tìm kiếm và có chính sách thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm. Giáo viên có kiến thức, kỹ năng sư phạm tốt thì sẽ đào tạo một đội ngũ sinh viên giỏi có thể đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước.
GS.TS Đinh Quang Báo đưa ra khuyến cáo, đào tạo ĐH, CĐ khác với những cấp học dưới nên đòi hỏi trình độ của giảng viên cần phải có những tiêu chí, lý luận và có những nghiên cứu khoa học để làm cơ sở cho mở rộng chất lượng đội ngũ giảng viên kế cận tiếp theo. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải tạo điều kiện cho các trường cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước, sau đó trở về trường giảng dạy.
Ngoại ngữ sẽ là chiếc vé thông hành cho các bạn trẻ
Trong quá trình gia nhập cộng đồng ASEAN, không chỉ các trường ĐH, CĐ phải tự đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo mà chính bản thân các sinh viên - nguồn nhân lực tương lai cũng phải không ngừng phấn đấu để có đủ trình độ, kỹ năng khi hội nhập với khu vực.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đưa ra lời cảnh báo đối với sinh viên rằng, đến năm 2015, dù các bạn trẻ không cần đi đâu khỏi Việt Nam thì những sinh viên ở các nước trong khu vực ASEAN cũng sẽ đến nước ta để tìm kiếm việc làm và cạnh tranh gay gắt các sinh viên trong nước. Nếu không tự trang bị những điều kiện, kiến thức, kỹ năng cần thiết thì sinh viên trong nước sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua trong thị trường việc làm.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, ngoài KTĐ quốc gia áp dụng ở trong nước, các nước trong khu vực ASEAN cũng sẽ đặt ra KTĐ và những tiêu chí cụ thể, áp dụng chung cho tất cả nhân lực ở các nước khi tham gia thị trường lao động. Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên giảng đường ĐH, sinh viên phải tự ý thức, phấn đấu nhiều hơn cả về kiến thức và kỹ năng thì mới có đầy đủ các tiêu chí cần thiết để được các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng trong và ngoài nước công nhận.
Bên cạnh có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần trang bị cho mình vốn kiến thức ngoại ngữ thật tốt bởi ngoại ngữ sẽ là tấm vé thông hành giúp các bạn nước bước vào cánh cửa hội nhập với các nước trong khu vực.
Bổ sung cho lời khuyên trên, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, ngoài ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh thì nhân lực nước ta cũng cần chú ý đến ngôn ngữ, tập tục văn hóa của các nước trong khu vực ASEAN khi tham gia thị trường lao động. Nếu có đầy đủ kiến thức và các kỹ năng, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ không thua thiệt khi tham gia thị trường lao động ASEAN./.
Theo VOV online