Tại Hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu về vấn đề an toàn trường học, chống bạo lực học đường được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, các đại biểu quan tâm về việc, Bộ GD-ĐT đã ban hành tới 25 văn bản liên quan tới phòng chống bạo lực học đường nhưng tình trạng mất an toàn và bạo lực học đường vẫn gia tăng, thậm chí xuất hiện những vụ việc có mức độ nghiêm trọng. Vậy, ngành Giáo dục phải xác định trách nhiệm và đi tiên phong trong việc tìm giải pháp giải quyết. Cần có những giải pháp đi sâu vào hoạt động chuyên môn để giải quyết vấn nạn này, không “chống theo phong trào”.
|
|
Bạo lực học đường cần bị loại bỏ. |
Bạo lực học đường đang rất “nóng”
Số liệu của Plan International (một tổ chức phi Chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng bị bạo lực học đường. Chỉ tính trong 6 tháng (từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2014), số học sinh bị bạo lực (tinh thần, thể xác...) tại trường học của Indonesia là 75%, Việt Nam đứng thứ hai với 71%. Bạo lực với trẻ em và người chưa thành niên xảy ra không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Đó cũng là lý do các quốc gia đều có những giải pháp tầm quốc gia để ngăn ngừa.
Tuy không nói số liệu cụ thể về các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường gần đây, nhất là quý 1/2019, nhưng Đại tá Phạm Mạnh Thường - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - đánh giá, tình hình bạo lực học đường đang rất “nóng”. Tính từ năm 2010 đến nay, các vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến nhà trường chiếm tỉ lệ lớn trong các vụ vi phạm hình sự. Trong đó có những vụ việc nghiêm trọng về dâm ô trẻ em nữ, dâm ô trẻ em nam, bạo lực ngay tại lớp học. Nguyên nhân xảy ra vấn nạn bạo lực học đường vì lí do rất “không chính đáng”, có thể chỉ từ việc “nhìn đểu”, ghen tị vì bạn mặc quần áo đẹp hơn, rồi tuổi yêu đương nảy sinh ghen tuông... cũng gây xích mích, bạo lực, thậm chí dẫn đến án mạng...
Trước đó, Tại tọa đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc” đầu tháng 4/2019, ông Phạm Mạnh Thường thông tin, thống kê của ngành Công an, chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như: Hưng Yên, Nghệ An và mới đây nhất là ở Quảng Ninh. Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu nhận định, trong 2-3 năm tới, thông tin, video về bạo lực học đường sẽ được đăng tải nhiều hơn.
Tổ chức thực hiện còn lỏng lẻo
Việc gia tăng vấn nạn bạo lực học đường được nhận định, đó là điều tất yếu bởi bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả những nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Thứ hai là do nhận thức của xã hội tăng lên, tỷ lệ phụ huynh đứng ra tố cáo cũng cao hơn. Thứ ba, mạng xã hội phát triển giúp video, thông tin nhanh chóng được lan truyền đến cộng đồng và phụ huynh sẽ có bằng chứng để tố cáo. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng chặt chẽ hơn nên niềm tin của người dân cũng tăng.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành đến 25 văn bản liên quan tới phòng chống bạo lực học đường, mới nhất là chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục của bộ trưởng ban hành ngày 16/4/2019 vừa qua. Nỗ lực là có nhưng tình trạng mất an toàn và bạo lực học đường vẫn gia tăng, thậm chí xuất hiện những vụ việc có mức độ nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường chưa hiệu quả, nhiều văn bản nhưng việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả thấp. Ông Quý dẫn chứng ngay cả chỉ thị mới đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nội dung này thì có khi nhiều giáo viên cũng không biết. Việc không tiếp cận đến nơi đến chốn các văn bản, quy định làm cho việc thực hiện ở nhiều nơi còn lỏng lẻo. Tuy nhiên, không thể đổ hết lỗi cho ngành giáo dục mà cần sự phối hợp, trợ sức mạnh mẽ từ gia đình và xã hội. Ông Quý cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý nhà mạng, không để các nội dung, clip xấu lan truyền, trong đó các clip về bạo lực học đường phải được xóa ngay, không gây những tác động xấu đến học sinh. Việc thiếu kiểm soát không gian mạng là một lỗ hổng lớn, gia tăng nguy cơ cho học sinh bị xâm hại bởi những vấn đề tiêu cực, trong đó có bạo lực.
Chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những mô hình riêng, áp dụng cho từng địa phương để phòng chống bạo lực học đường, không thể có công thức chung vì trường thành phố khác trường miền núi... Việc quan sát, tìm hiểu hoàn cảnh học sinh để kịp thời ngăn chặn những hành vi xấu ngay khi còn ở dạng manh nha rất quan trọng. Hiện tại, ngành Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an các cấp vào cuộc, giám sát địa bàn xung quanh, phối hợp với ban giám hiệu để làm trong sạch địa bàn từng trường. Về phía nhà trường cần quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, cho rằng, thay vào việc chỉ kỷ luật giáo viên, xử phạt học sinh khi sự việc đã xảy ra thì phải đi tìm một giải pháp tích cực hơn như đưa giá trị sống vào dạy trong nhà trường phổ thông, như một môn học chính khóa - cách mà trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm và khá thành công. Theo các nhà giáo thì những giá trị tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm... là những nền tảng quan trọng để thầy cô giáo và học sinh hướng đến một môi trường lành mạnh hơn, không có bạo lực.
Còn ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên (nơi vừa xảy ra vụ nữ sinh Trường THCS Phù Ủng bị một nhóm bạn cùng lớp lột áo, bạo hành dã man ngay tại lớp học), phát biểu tại hội nghị đã nhắc đến vụ việc này như một bài học đau lòng trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Ông Phê thừa nhận, sau khi vụ việc này xảy ra, Sở GD-ĐT Hưng Yên tổ chức họp trực tuyến đến từng thầy cô để rút kinh nghiệm thì mới thấy, mặc dù Sở đã triển khai đến tận các cán bộ quản lý, nhưng một số nơi triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên GV chưa nắm chắc, từ đó xử lý các vụ việc chưa được hiệu quả như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Phê đề xuất giải pháp tăng cường tư vấn, hỗ trợ tâm lý đối với cả giáo viên và học sinh, bồi dưỡng cho giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm...
Hãy để nhiều người biết đến tổng đài 111
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài điện thoại 111 hoạt động 24/24h tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Theo thống kê, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/12/2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 27.407 ca (tăng 1.562 ca so với cùng kỳ năm 2017), hỗ trợ can thiệp cho trẻ em 806 ca (tăng 222 ca so với 2017). Trong số người gọi tới, trẻ em chiếm 25% (trẻ trong trường học 23,7%, trẻ ngoài trường học 1,3%); số còn lại là do người lớn gọi tới.
Nội dung các cuộc gọi tư vấn tập trung vào các vấn đề: quan hệ ứng xử (trong gia đình, nhà trường, xã hội) chiếm 15,2%; xâm hại bạo lực chiếm 20%; trợ giúp pháp lý là 21%. Ngoài ra còn có các vấn đề về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, sức khỏe sinh sản…
|