Cả xã hội đang chung tay đẩy lùi vấn nạn này. Vậy các nhà văn, nhất là những nhà văn viết cho thiếu nhi, có thể làm gì? Không ai có thể làm ngơ trước hình ảnh thường thấy lan truyền trên mạng xã hội: một nhóm học sinh nữ lao vào túm tóc, đấm đá một học sinh nữ khác đang kêu khóc! Nhưng, hình như các nhà văn vẫn chưa thực sự  vào cuộc, chưa thấy hết mối nguy hại của bạo lực học đường? Các nhà văn dường như vẫn chưa thực sự đầu tư thời gian cho đề tài này? Họ cần nhìn lại tác phẩm của mình đã viết cho các em để thấy sự cần thiết phải đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận cuộc sống của con trẻ, viết những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống của chính các em. Nên chăng, Hội nhà văn, các tờ báo nên mở cuộc thi viết về đề tài tình bạn, về vấn nạn bạo lực trong trường học… tạo hứng thú để nhà văn và các thanh thiếu nhi tham gia viết về đề tài này. Riêng tôi, tôi vẫn chưa thấy Hội Nhà văn quan tâm đầy đủ vấn đề nhà văn với nhà trường, nhà văn với bạo lực học đường. Đương nhiên, văn học vẫn là văn học, tái hiện cuộc sống với một nghệ thuật cao mới có thể thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi. Chỉ chăm chăm răn dạy đạo đức, các em sẽ khó chấp nhận, sẽ thất bại. 

 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
 
Đây là cơ hội và thách thức để nhà văn đồng hành với xã hội trong sự nghiệp “trồng người”. Cần từ bỏ cách viết cũ đã lỗi thời, đưa ra cách nhìn mới, cách viết mới cho thiếu nhi. Cần thẳng thắn đặt câu hỏi: Phải chăng, văn học -nghệ thuật dành cho thiếu nhi còn nặng về tuyên truyền? Phải chăng, nhiều tác phẩm viết cho các em mà các em không đọc hoặc đưa đến mà các em thờ ơ, vì nhân vật thiếu nhi chỉ là “người lớn thu nhỏ” chứ không phải là các em theo đúng nghĩa? Còn về tổ chức, hiện nay, chưa có một chiến lược cho văn học thiếu nhi tương xứng với vai trò của nó đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Như ở Hội Nhà văn Việt Nam, trong một thời gian dài, Ban Văn học thiếu nhi bị xóa sổ và mới chỉ được tái lập lại hai năm gần đây. Mảng văn học thiếu nhi ở Hội Nhà văn, Hội Văn học – nghệ thuật địa phương không được coi trọng đúng mức, bản thân các nhà văn không mặn mà sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi.
 
Vậy các nhà văn có thể và cần phải làm gì?  Theo tôi, trước tiên, nhà văn cần đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống của con trẻ, hiểu rõ các văn bản luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Và, quan trọng nhất là, nhà văn hãy viết từ trái tim mình, đừng viết vì tài trợ mặc dù tài trợ là cần thiết. Hiện nay, đang hình thành một “vùng cấm” không thành văn: Không được đưa cái xấu của trẻ nhỏ lên mặt báo dành cho thiếu nhi,  ví như báo Thiếu niên Tiền phong. Liệu như thế có phải là sự “méo mó” thông tin dành cho con trẻ? Thiết nghĩ, đây chính là lúc cuộc sống cần nhà văn, nhưng phải là nhà văn có cái nhìn mới về  con trẻ trong thời kỹ thuật số, thời mạng xã hội phát triển, và tương tác toàn cầu… Đứa trẻ hôm nay khác hẳn đứa trẻ trong  những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
 
Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi hôm nay cần thể hiện được sự đa diện của hiện thực cuộc sống con trẻ để đạt tới sự sâu sắc, không thuần túy chỉ là miêu tả một cách ngộ nghĩnh như quan niệm lâu nay. Đây là đặc điểm mà các tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn lớn trên thế giới như R. Ta-go, X. Mi-khan-cốp, X.Mác-sắc, G. Ru-mi, N.Khô-xrốp… Trong số các văn hào này, có những tên tuổi ở thế kỷ 13, 14 nhưng giờ đọc họ vẫn thấy hiện đại, mới mẻ. Chẳng hạn, bài thơ “Người nông dân và sư tử” của G.Ru-mi (1207-1273), nước Ba Tư, với hai câu kết: “Một bài học: Trước khi làm gì đó/Ta phải biết việc mình làm thật rõ”. Tôi cho rằng, trẻ em và người lớn khi đọc đều thích những sáng tác như thế. Không có ranh giới nào giữa văn học viết cho con trẻ và văn học viết cho người lớn ở đây. Nó nêu cao cái đẹp, cái cao cả, lên án sự thấp hèn, nhưng được thể hiện một cách… non tơ.
 
Vậy, nhà văn viết cho thiếu nhi có thể làm gì trước nạn bạo lực học đường? Có thể, nếu tác phẩm của nhà văn không né tránh hiện thực, khắc họa hình ảnh các em nhỏ theo chúng vốn có. Từ đó mà vun đắp, xây dựng những điều tốt đẹp nơi bạn đọc nhỏ tuổi. Thật có lỗi khi các nhà văn thờ ơ với đề tài này. “Mưa dầm thấm lâu”. Tôi tin, bạo lực học đường sẽ được giảm thiểu, với tâm huyết sáng tạo và tình yêu thương con trẻ của nhà văn.  
 
 
Nguyễn Minh Nguyên