Ngành công nghệ “lên ngôi”

Trước vô số những ngành nghề đào tạo của các cơ sở ĐH, nhiều trường đã công bố mở một số ngành mới theo tiêu chí “hot” và đón đầu xu thế 4.0.

Theo quy định trong Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT, để mở ngành đào tạo, các trường ĐH phải đảm bảo đủ số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo. Cùng với đó là những yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy cũng phải tương ứng.

Việc mở thêm ngành mới là cơ chế mở rộng quyền tự chủ của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, cũng là xu thế chung nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.

Theo các chuyên gia, trong năm đầu tiên mở ngành mới, các trường cần cân nhắc thay đổi đề án tuyển sinh kịp thời nếu số lượng thí sinh đăng ký không đạt chỉ tiêu nhằm đảm bảo lợi ích cho thí sinh. Bên cạnh đó, thí sinh có thời gian kịp thời điều chỉnh nguyện vọng của mình.

leftcenterrightdel
Thí sinh cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn ngành mới. Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu, trung bình mỗi trường ĐH mở thêm 2 đến 3 ngành. Việc mở thêm ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội là điều đáng mừng, tuy nhiên vẫn có không ít lo lắng về sự lặp lại câu chuyện của mùa tuyển sinh trước, đó là dù thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng trường không thể mở ngành học vì số lượng sinh viên không đủ để mở lớp.

Năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ chính quy, mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như  Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục mầm non; Điều dưỡng; Hàn Quốc học, Văn hóa học, Nhật Bản học…

Một số chương trình đào tạo song bằng như Marketing; Quản lý… Có thể thấy, những ngành học mới đa phần liên quan đến các lĩnh vực công nghệ hoặc những ngành có nhu cầu lao động tăng cao trong những năm tới.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở thêm một số chương trình và ngành mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Năm 2020, trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành Tiếng Nhật Thương mại, Tiếng Trung Thương mại; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn. Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc.

Theo nhiều chuyên gia, việc mở thêm những ngành học mới xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như những thay đổi trong cơ chế, chính sách và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc một vài ngành “hot” được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai.

Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh cao đẳng, ĐH 2019, xây dựng kế hoạch năm 2020 được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tập trung dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ.

Về cơ bản, đề thi năm nay giữ ổn định như năm 2019 nên việc học, ôn thi phải hết sức cơ bản, tránh học lệch, học tủ. Bên cạnh đó, điểm học bạ phải bảo đảm khách quan, trung thực, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.

Hơn nữa, các cơ sở giáo dục ĐH cần sát sao hơn nữa với các Sở GD-ĐT, trường THPT, có nhiều kênh thông tin, diễn đàn để giới thiệu về các ngành nghề mới, điều kiện của nhà trường để thí sinh chủ động tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi, tránh tình trạng thiếu thông tin, hoặc thông tin không đúng.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Nam Trần

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường quan tâm công tác tư vấn để thí sinh chọn đúng, phát huy sở trường, đáp ứng nhu cầu lao động của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, các trường khi xây dựng phương án tuyển sinh cần phải tính toán kỹ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; Không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

Thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào. Cơ sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về tính trung thực để thí sinh đăng ký dự thi nghiên cứu, tham khảo.

Với các Sở GD-ĐT, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo sở chỉ đạo các nhà trường quan tâm công tác tư vấn cho học sinh để các em chọn đúng, phát huy sở trường, đáp ứng nhu cầu lao động của đất nước.

Các trường mở chương trình mới, ngành đào tạo mới là xu hướng tích cực, tạo cơ hội cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, thí sinh phải đọc kỹ xem các chương trình mới đó cụ thể là gì, có phù hợp với nguyện vọng, sở thích và điều kiện của cá nhân cũng như gia đình không.

Ngoài ra, thí sinh nên tìm hiểu trên mạng về ngành nghề đó hoặc trực tiếp vào các trang web của trường quốc tế mà cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam liên kết đào tạo để tìm hiểu xem thực sự có chương trình đó hay không, nếu có thì họ đào tạo như thế nào?... Nói chung, thí sinh phải tham khảo sâu hơn để có sự tin cậy về mặt pháp lý, có định hướng căn bản để sự lựa chọn được đúng và trúng.

“Trước đi đăng ký, thí sinh bình tĩnh, xác định đúng với năng lực, sở trường của mình; Có thể tuân thủ theo nguyên tắc 3 bậc: Cao hơn - ngang bằng - thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn”- PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh cao đẳng, ĐH 2019, xây dựng kế hoạch năm 2020 được Bộ GD-ĐT tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT chỉ ra những hạn chế như tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp. Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp… Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót…

 

 

Lưu Ly