Gần 900 vụ TNGT liên quan đến học sinh từ đầu năm 2023 đến nay
Chỉ thị nêu rõ, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh đang diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) đối với học sinh.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra gần 900 vụ TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
|
|
Phụ huynh cần trang bị mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn cho học sinh để góp phần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông (ảnh minh họa/UBATGTQG). |
Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng.
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự ATGT, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương
Thủ tướng yêu cầu, từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
|
|
Nhà trường, giáo viên cần thường xuyên tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để phối hợp giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các em học sinh (ảnh minh họa/ Minh Khôi). |
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách.
Chỉ thị nhấn mạnh: “Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý”.
Xây dựng nội dung giáo dục ATGT lồng ghép vào các môn học
Chỉ thị nêu rõ, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đưa nội dung bảo đảm ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục; xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học.
100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục ATGT lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ tổng phụ trách đội, bí thư đoàn thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT cho học sinh.
Lắp đặt hệ thống camera tại các khu vực gần cổng trường học
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.
Bộ Công an chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường học; công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường.
Gửi thông báo về cho nhà trường khi học sinh vi phạm giao thông
Chỉ thị yêu cầu Bộ Công an phối hợp với nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm.
Cùng với đó, Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh.
Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
Khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện công cộng
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh, cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh…