Việc một trường cao đẳng nghề tại TP.HCM quy định cấm thầy cô trong trường yêu sinh viên khiến nhiều người đồng tình vì tạo môi trường giáo dục trong sạch, tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối vì phạm luật.
Việc này có gây ảnh hưởng gì đến người khác, đến xã hội hay không? Thứ nhất, các nội quy này chỉ áp dụng cho giáo viên. Còn học sinh, sinh viên không thuộc phạm vi điều chỉnh. Như thế nghĩa là, các quy định này hướng đến việc điều chỉnh hành vi của thầy cô. Điều đó tốt cho mối quan hệ trong môi trường sư phạm cũng như không sinh viên nào bị ảnh hưởng, nếu trót yêu một giáo viên. Vì chỉ cần đảm bảo không thể hiện tình yêu đó tại trường thì người yêu của mình sẽ chẳng bao giờ bị đuổi việc".
Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) kịch liệt phản đối quy định này. Tiến sĩ Hương cho biết: "Con người có quyền được yêu, trai chưa vợ, gái chưa chồng tại sao lại cấm. Nhà trường sợ sẽ có tiêu cực nhưng tình yêu thì không hề xấu. Ngoài tình cảm nam nữ, giữa thầy và trò còn có sự thần tượng, ngưỡng mộ. Trò muốn thầy cô để ý đến mình sẽ nỗ lực học tập tốt hơn".
Thực tế trong số sinh viên của tiến sĩ Hương có một nữ sinh yêu thầy giáo. Nữ sinh này không hề nhận sự trợ giúp của thầy nhưng thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Thậm chí, bạn không nhờ thầy hướng dẫn tốt nghiệp. Sau khi ra trường họ đã cưới nhau và hiện tại đã có cậu con trai kháu khỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng, việc cấm quan hệ yêu đương giữa sinh viên và giáo viên là vi phạm về mặt pháp luật. Luật Hành chính; Hôn nhân Gia đình; Lao động không có quy định nào như vậy và điều này chỉ mang phạm trù đạo đức.
Cũng theo luật sư Thuật, người đang trong độ tuổi kết hôn, chưa lập gia đình thì có quyền quan hệ yêu đương dẫn tới hôn nhân chứ không có một hạn chế nào.
Vị luật sư này nhấn mạnh, nếu nội quy cấm thầy trò yêu nhau chuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động thì hoàn toàn không có hiệu lực.
Quy định cũng phải hợp với Việt Nam
Việc cấm đoán thầy và trò yêu nhau trong quá trình học tập ở ĐH/CĐ xét ra không hoàn toàn sai nhưng thực tế cho thấy không hoàn toàn phù hợp.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội TLH xã hội Việt Nam, có vài cơ sở cần xem xét trong trường hợp này:
Việc kiểm soát tình cảm riêng tư tạo ra gánh nặng đối với nhà trường và cũng không khả thi ngoài phạm vi nhà trường.
Bản chất tình cảm không có lỗi. Còn nếu đã gọi là lợi dụng hay có ý đồ thì không thể gọi là tình cảm hay tình yêu.
Bên cạnh đó, văn hóa Việt không giản đơn để áp dụng những cái cấm rất thiếu cái lý và chưa đủ cái tình.
Người trưởng thành cần được tôn trọng đặc biệt là giảng viên chứ không thể vì làm thuê hay có cái nghề đi dạy để quên mình là ai, là con người có đầy đủ quyền hạn, nhu cầu... miễn sao biết vị trí, vai trò, đạo đức.
Mặt khác, cần xem xét với các văn bản, luật đang tồn tại và thực thi để xem việc cấm này bằng cái nhìn nghiêm túc, khoa học.
Quan trọng hơn cả, xét trên bình diện nhân văn, việc áp cấm này từ quy định của một cá nhân hay của một trường có văn hóa khác vào trường đào tạo tại Việt Nam có tên tiếng Việt, sinh viên Việt, giảng viên Việt và chủ yếu làm việc ở Việt Nam là cần cẩn trọng nếu không nói là nên điều chỉnh.
Theo Khám phá