Theo Bộ GD&ĐT, trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học (ĐH) năm 2015 - 2016, nhiệm vụ đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống trường ĐH, cao đẳng (CĐ) để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo.

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có 480 trường ĐH, tăng gấp đôi so với 10 năm trở lại đây, mỗi năm cho ra lò khoảng nửa triệu lao động có bằng ĐH, tuy nhiên trình độ của người lao động có tương xứng với tấm bằng ĐH hay không thì thị trường lao động đã trả lời rõ ràng. Khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010 là thời điểm lên ngôi của các  trường ĐH tư thục, chúng ta áp dụng mô hình của phương Tây trong khi trình độ quản lý và nội dung chương trình quá lạc hậu khiến các trường ĐH tư không khác mấy với những cơ sở kinh doanh, gây nên tranh cãi về chuyện ĐH là lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Năm 2013 Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch quy hoạch lại hệ thống ĐH, tuy nhiên sự sinh sôi nảy nở của hệ thống ĐH trong vòng một thập kỷ qua phải cần rất nhiều thời gian để sắp xếp sao cho vừa vặn, hợp lý. Từ năm 2013, Bộ chủ trương không lập trường ĐH mới mà nếu có chỉ nâng cấp từ hệ thống các trường công lập sẵn có.
 

Các trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh sẽ được cơ cấu lại hệ thống trường cho phù hợp. Ảnh: P.Thủy
Các trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh sẽ được cơ cấu lại hệ thống trường cho phù hợp. Ảnh: P.Thủy


Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tổng điều tra về các ngành đào tạo ĐH trong cả nước và yêu cầu dừng tuyển sinh của 2700 ngành đào tạo ĐH, trong đó có những ngành thuộc những trường 3 năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Được biết, trong năm qua, một số trường ĐH, nhiều trường CĐ và trường ngoài công lập còn gặp khó khăn trong tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên ngoài công lập vẫn có xu hướng giảm. Cụ thể, khối ngành kinh tế chiếm tỷ lệ trên 30% trong tổng số sinh viên (SV); khối ngành nông, lâm, ngư và khoa học xã hội, nhân văn đạt tỷ lệ thấp; tỷ lệ tuyển mới trình độ ĐH chiếm gần 70% trên tổng số tuyển mới 2014; tỷ lệ SV ngoài công lập giảm xuống dưới 17%.

Tình trạng này đã diễn ra trong những năm gần đây và do nhiều nguyên nhân: Chủ yếu nhất là việc làm cho SV tốt nghiệp khó khăn, một số trường không có chiến lược đầu tư nâng cao chất lượng để phát triển lâu dài, số học sinh thi tốt nghiệp phổ thông có xu hướng giảm khiến dự báo nhu cầu học tập của người dân trước đây (450 SV/vạn dân) không còn phù hợp, dẫn đến tình trạng nguồn cung chỗ học vượt nhu cầu của người dân.

Trung bình mỗi năm chúng ta chỉ có khoảng 1/2 trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi có thể học tiếp ĐH, CĐ trong khi chỉ tiêu của toàn khối ĐH cũng lên đến gần 500.000. Vì thế, chuyện thừa trường, thiếu người học là điều có thể nhìn thấy ngay.

Năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, trường ĐH sư phạm trọng điểm. Việc nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ công lập sẽ được hạn chế tối đa.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong những năm gần đây, một số trường ĐH, CĐ, trung cấp ở địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, UBND địa phương cơ cấu lại hệ thống trường. Cụ thể là chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm qua và dự báo còn tiếp tục gặp khó cần xây dựng đề án cấu trúc lại mục tiêu, hoạt động, chuyển đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình, tránh lãng phí nguồn lực. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp các trường này để bàn bạc thống nhất việc xử lý cụ thể".

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ phê duyệt cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo; trình Thủ tướng ban hành Khung trình độ quốc gia và chuẩn bị điều kiện để triển khai.

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH, để thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật thì trên cơ sở mục tiêu đã được xác định, các cơ sở đào tạo cần rà soát lại kế hoạch phát triển nhà trường trong từng giai đoạn, cấu trúc lại các đơn vị trong trường, xây dựng qui chế hoạt động mới phù hợp với các qui định hiện hành.
 

Theo PL&XH

.