(BVPL) - Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Vai trò của người thầy và ơn sâu nghĩa nặng đối với thầy cô luôn chiếm một vị trí xứng đáng trong trái tim của mỗi người học trò đang học cũng như đã tốt nghiệp ra trường. Mối quan hệ thầy trò đã có từ hàng nghìn năm dựng và giữ nước và đã in dấu trong kho tàng tục ngữ của Việt Nam như “Không thầy đố mày làm nên”, “Dốt nát tìm thầy, bóng bẩy tìm vợ”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”...

 


Và từ thế hệ này đến thế hệ khác, thầy cô giáo đã hết lòng dạy bảo học trò, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngày nay, chúng ta cũng đã có biết bao câu chuyện cảm động, biết bao bài thơ, bản nhạc... ca ngợi những vẻ đẹp bình dị ẩn chứa của người giáo viên nhân dân trong sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí. Có những thầy giáo làng dạy cấp I từ tuổi thanh niên nay đã ở cái ngưỡng thất thập cũng không muốn bỏ lớp, xa trường, bởi đã nặng lòng với từng con chữ, với lớp lớp học trò yêu thương. Có những giáo viên sau khi về hưu tìm thú vui trong việc tập hợp trẻ em lang thang vào những lớp học tình thương, vừa cưu mang về vật chất, vừa dạy học và hướng dẫn các em vượt qua những nỗi bất hạnh thương đau. Nhiều thầy cô giáo tâm huyết, tài năng đã dìu dắt những học trò của mình đủ sức chiếm lĩnh đỉnh cao trong các kỳ thi quốc tế đem vinh quang về cho Tổ quốc... Biết bao kỹ sư tâm hồn đang thầm lặng góp từng viên gạch của mình xây dựng nền giáo dục Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh.

Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trở thành ngày hội “tôn vinh người thầy” của toàn dân. Vào ngày này, trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam, các em học sinh, sinh viên, cựu học sinh, sinh viên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã có công dạy dỗ mình.

Quan hệ thầy trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng, bởi vậy người xưa có câu “trọng thầy mới được làm thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”. Đầu năm có ba ngày Tết, đã dành một ngày là Tết thầy. Người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức, còn định hướng về đạo đức, lối sống cho học trò. Quan hệ thầy trò ở Việt Nam thời hiện đại dù có những nét khác biệt so với thời kỳ phong kiến, song nói chung đó luôn là mối quan hệ tốt đẹp, đáng quý.

 


Phát huy truyền thống cao đẹp, những năm qua đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước đã cùng nhau thực hiện phong trào thi đua Hai tốt là dạy tốt và học tốt; khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Vì lợi ích trăm năm trồng người” mà Đảng và nhân dân đã giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề đặc biệt nhiều giáo viên vùng sâu đã không quản ngại khó khăn bám trường, bám lớp; duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo; những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được nay cũng đã được đem ra tính toán. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đúng là có những trường hợp người được phân công đứng trên bục giảng hoặc công tác trong ngành giáo dục chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo. Đồng thời, do tác động của kinh tế thị trường, do sự xuống cấp về đạo đức nói chung thế nên đạo thầy trò có phần giảm sút.

Bởi vậy, đề cao đạo thầy trò trong thời hiện đại là vô cùng quan trọng. Toàn ngành Giáo dục đang phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là tham gia tích cực sự nghiệp “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu” - cội nguồn nảy sinh sự tâm huyết, sáng tạo trong từng trang giáo án cũng như khi đứng trên bục giảng.

Tôn vinh sự nghiệp cao quý của người thầy không chỉ trong ngày Nhà giáo Việt Nam, không chỉ thể hiện trong những bó hoa tươi thắm, mà mỗi chúng ta cần phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, góp phần cùng ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác dạy và học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng