Bộ quy định làm gậy bằng nhựa, giáo viên cho làm bằng tre
Theo tìm hiểu, học sinh nói trên bị thương tích vùng kín nghiêm trọng ở trường là do dùng gậy bằng tre cứng, chơi đùa trong tiết học thể dục. Sau khi bị thương, học sinh này đau bụng, không thể học được môn giáo dục thể chất sáng 15/1, nên cô giáo chủ nhiệm gọi phụ huynh đến đưa học sinh về nhà. Đến tối cùng ngày, mẹ của học sinh giặt quần áo mới phát hiện vết máu khô ở quần con gái.
    |
 |
Chiếc gậy học tiết thể dục làm bằng tre, sai quy định tại Trường Tiểu học Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). |
Phụ huynh hỏi, học sinh nói là bị thương tích ở trường do dùng gậy (cây gậy có kích thước to bằng cổ tay học sinh lớp 1, chiều dài 70cm) để chơi nghịch. Học sinh chống hai tay vào đầu gậy, đầu kia tỳ xuống mặt sân và nhảy qua háng, không may trượt tay đâm vào vùng kín gây thương tích.
Sau đó, gia đình đưa học sinh xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, rồi chuyển Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, học sinh của Trường tiểu học Tén Tằn nhập viện ngày 21/1 trong tình trạng bị chấn thương vùng kín, rách tầng sinh môn, rách trực tràng do tai nạn sinh hoạt. Bệnh viện đã phẫu thuật, điều trị hai đợt cho bệnh nhi, ổn định sức khỏe. Đến nay, sau nhiều lần phẫu thuật, điều trị, học sinh đã trở lại đi học.
Được biết, tiết học môn giáo dục thể chất sáng 15/1 là tuần thứ 19 (học kỳ II), trong kế hoạch của năm học là bài “bật nhảy chụm chân”. Trong khi đó, theo kế hoạch năm học 2024-2025 của Trường tiểu học Tén Tằn, tiết học môn giáo dục thể chất dùng dụng cụ gậy là từ tuần thứ 10 đến thứ 12 (học kỳ I). Nhưng giáo viên lại yêu cầu học sinh đem gậy đến học là sai với kế hoạch năm học, vi phạm về chuyên môn.
Chưa kể, theo Thông tư 37 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thiết bị dạy học cấp tiểu học quy định, chiếc gậy phục vụ học bài thể dục làm bằng nhựa hoặc gỗ; tuy nhiên, Trường tiểu học Tén Tằn yêu cầu phụ huynh làm gậy học môn giáo dục thể chất bằng tre cứng là sai với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy giáo Vi Văn Hưn - dạy môn giáo dục thể chất, Trường tiểu học Tén Tằn cũng thừa nhận, tiết học thể dục sáng 15/1 không phải là tiết học có dùng gậy. Hôm đó, giáo viên yêu cầu đem gậy đi học thì học sinh đem theo. Chiếc gậy gây thương tích cho học sinh làm bằng tre, dài từ 70 đến 80cm, do phụ huynh tự làm. Đầu năm học 2024-2025, thầy Hưn không thấy Ban Giám hiệu nhà trường cấp thiết bị, đồ dùng để dạy tiết học thể dục với gậy nên ông đã yêu cầu phụ huynh tự làm gậy bằng tre, để học sinh đem đến lớp.
Sẽ xử lý nghiêm
Mặc dù học sinh bị thương tích nghiêm trọng ở trường, tuy nhiên, ông Phạm Đăng Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tén Tằn đã không báo cáo lãnh đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Lát kịp thời. Cho đến 3 tuần sau (tức ngày 6/2), khi dư luận và báo chí phản ánh, ông Phạm Đăng Dung mới có báo cáo vụ việc, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức công vụ.
Chia sẻ với Báo Bảo vệ pháp luật, một lãnh đạo UBND huyện Mường Lát cho biết, sau khi nhận báo cáo của nhà trường, lãnh đạo UBND huyện đã cho thành lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc. Quan điểm của lãnh đạo huyện là sẽ xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể sai phạm tại Trường tiểu học Tén Tằn.
    |
 |
Trường Tiểu học Tén Tằn (Mường Lát) |
Để giải quyết vụ việc có dấu hiệu vi phạm chuyên môn, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phụ huynh học sinh, giáo viên địa phương đề nghị Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vào cuộc xác minh, làm rõ.
Liên quan đến vị Hiệu trưởng Trường tiểu học Tén Tằn, thời gian qua, Báo Bảo vệ pháp luật đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo của phụ huynh huyện Mường Lát về những sai phạm của ông Phạm Đăng Dung và Báo cũng đã có bài viết phản ánh.
Cuối năm 2024, UBKT Huyện uỷ Mường Lát đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn.