Dấu hiệu trục lợi ngân sách nhà nước

Ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn đã bị giáo viên và phụ huynh Nhà trường tố cáo với nhiều nội dung. Trong đó, có sự việc: Năm học 2023-2024 Trường Tiểu học Tén Tằn, có 13 tiết thừa giờ/tuần đối với môn Thể dục; Ông Phạm Đăng Dung đã bố trí xếp thời khoá biểu cho bản thân ông dạy 2 tiết và ông Trương Công Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn dạy 4 tiết để đưa vào danh sách số tiết thừa giờ nhằm lấy tiền thừa giờ. Trong khi Trường Tiểu học Tén Tằn đã có 2 giáo viên dạy môn Thể dục, bản thân ông Dung và ông Hiền lại không được đào tạo dạy môn Thể dục Tiểu học nhưng vẫn bố trí dạy môn học này là vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với vấn đề này, ông Dung cũng thừa nhận, ngày 19/8/2023 Trường Tiểu học Tén Tằn đã họp để phân công giáo viên giảng dạy năm học 2023-2024. Sau đó, Hiệu trưởng đã ban hành Quyết định số 20 ngày 19/8/2023, trong đó, phân công Hiệu trưởng Phạm Đăng Dung dạy môn thể dục 2 tiết/tuần và Phó hiệu trưởng Trương Công Hiền dạy môn thể dục 4 tiết/tuần tại khu chính.

leftcenterrightdel
 Trường Tiểu học Tén Tằn, nơi ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng công tác.

Ngoài ra, người dân còn tố cáo ông Dung về việc, ông đã hợp đồng lao động với thầy Hơ Chứ Pó (giáo viên môn Tin học, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2) để dạy môn tin học năm học 2022-2023 cho học sinh Trường Tiểu học Tén Tằn, nhưng thực tế, thầy Pó chỉ dạy hai tuần. Mặc dù vậy, ông Dung vẫn lập khống Kế hoạch giảng dạy từ tháng 1 đến tháng 5/2023 với tổng số tiền là hơn 18,1 triệu đồng, song chỉ trả cho thầy Pó 2,5 triệu đồng. Sau khi có phản ánh thì ông Dung mới chỉ đạo Kế toán nhà trường xuống Kho bạc nhà nước huyện nộp số tiền 13,59 triệu đồng.

Về việc này, ông Phạm Đăng Dung lý giải: Năm học 2022-2023, nhà trường dự kiến hợp đồng giáo viên môn tin học, kỳ II từ tháng 2 đến tháng 5/2023. Do không bố trí được giáo viên môn học này, nên đến tháng 5/2023 nhà trường mới thỏa thuận được với thầy Hơ Chứ Pó hợp đồng dạy học tại Trường Tiểu học Tén Tằn từ 3/5 đến 28/5/2023. Tuy nhiên, do vào cuối năm học nên thầy Pó đã dạy dồn các tiết học trong 2 tuần. Vì vậy, nhà trường đã thỏa thuận với thầy Pó số tiền công giảng dạy là 2,5 triệu đồng và 100.000 đồng tiền phô tô giáo án, tài liệu. Số tiền còn lại mà nhà trường đã rút tạm ứng là hơn 15,52 triệu đồng thì nhà trường đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát khẳng định: Ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tén Tằn thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý, hiện Huyện uỷ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù ông Dung đã nộp tiền vào kho bạc. Tuy nhiên, việc khắc phục vi phạm chỉ là tình tiết giảm nhẹ còn làm sai thì vẫn phải chịu, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. 

leftcenterrightdel
 Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước của Trường Tiểu học Tén Tằn.

Gian lận trong việc làm hộ khẩu 

Cũng trong đơn gửi tới Báo Bảo vệ pháp luật, nhiều phụ huynh học sinh, người dân bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá) bức xúc: Chúng tôi tố cáo về hành vi gian lận làm hộ khẩu sai quy định để đưa con vào học trường Phổ Thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Mường Lát; lợi dụng chức vụ để trục lợi chế độ chính sách của Nhà nước đối với gia đình ông Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú THCS Tam Chung, vợ là bà Tào Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Gia đình ông Kiên có hộ khẩu và nhà ở tại khu 3 thị trấn Mường Lát, nhưng có hành vi gian lận làm thêm hộ khẩu tại bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát để đưa con trai là P.Đ.A. vào trường PTDTNT THCS Mường Lát nhằm trục lợi chính sách.

Phụ huynh học sinh trường Dân tộc bán trú THCS Tam Chung (xin được giấu tên) phàn nàn: "Chẳng lẽ một gia đình lại hai hộ khẩu, mỗi hộ khẩu mỗi nơi, trong khi vợ chồng ông Kiên và bà Xuân không ly hôn ngày nào. Nhưng cố tình làm thêm hộ khẩu ở xã Tam Chung để cho con vào học Nội trú nhằm trục lợi chính sách của nhà nước, lấy mất đi chỉ tiêu của các em học sinh của trường Tiểu học Tam Chung. Lẽ ra cháu P.Đ.A. là học sinh trường Tiểu học thị trấn thì phải làm hồ sơ lấy chỉ tiêu ở đó; sao lại lấy chỉ tiêu của xã Tam Chung làm mất chỉ tiêu của con em chúng tôi."

Cháu P.Đ.A. cũng nằm trong danh sách tuyển sinh trái quy định tại Trường PTDTNT THCS Mường Lát mà UBND huyện này đã xác minh và công khai. Do tuyển sinh sai quy định nên nhà trường đã chi trả tiền trang cấp ban đầu, tiền học bổng cho số học sinh này với mỗi tháng là 1.192.000 đồng/1 học sinh. Từ ngày 1/7/2023, mỗi em học sinh hưởng mỗi tháng là 1.440.000 đồng/ 1 học sinh. Những em học sinh này được hưởng lợi từ chế độ của học sinh trường chuyên biệt theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021 sai quy định. 

Ví dụ, đối với trường hợp hiện là học sinh lớp 9 Trường Dân tộc Nội trú huyện Mường Lát, tính đến hết năm học 2023-2024 thì mỗi cháu hưởng sai quy định là gần 60 triệu đồng. Những cháu đang học lớp 8 như cháu P.Đ.A. (con Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú THCS Tam Chung) nếu tính đến hết năm học 2023-2024 thì hưởng sai quy định số tiền là hơn 40 triệu đồng...

Hạn chế trong công tác quản lý

Ngoài "lùm xùm" về sai phạm trong công tác tuyển sinh xảy ra tại trường PTDTNT THCS Mường Lát gây bức xúc trong dư luận thì nhiều năm gần đây, nhà trường để xảy ra tình trạng hàng trăm lượt học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình. Đặc biệt, hầu hết những trường hợp tuyển sinh sai là con cháu của cán bộ và đều nằm trong danh sách không ăn ở ký túc xá. Trong khi nhiều em học sinh ở vùng xa xôi, gia đình có điều kiện kinh tế còn hạn chế lại ao ước được vào ăn ở, học tập nội trú của nhà trường để tiện cho học tập thì không có cơ hội.

Theo đó, trường  PTDTNT THCS Mường Lát hiện có 238 học sinh, nhưng tháng 2/2024 trở về trước (trong năm học 2023-2024) chỉ có 188 học sinh ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường; còn 50 học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình. Ông Lê Đình Sang, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Mường Lát xác nhận: Do nguyện vọng của một số phụ huynh và học sinh có nhà gần trường. Phụ huynh đã làm đơn xin không ở nội trú và cam kết thực hiện các quy định của nhà trường. Vì vậy, từ đầu năm học 2023-2324 đến tháng 2/2024, có 50 học sinh không ở nội trú tại trường mà chỉ nhận học bổng và về ăn ở tại gia đình.

leftcenterrightdel
 Khu vực nhà tắm của trường PTDT nội trú THCS Mường Lát  đã xuống cấp.

Trước đó, năm học 2021-2022 ngôi trường này cũng để cho 53 học sinh ở ngoại trú, năm học 2022-2023 có 55 học sinh ở ngoại trú. Từ tháng 2/2024, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Mường Lát, trường PTDT nội trú đã đưa các em học sinh ở ngoại trú vào trong khu nội trú thuộc phòng ký túc xá của nhà trường.

Theo quy định tại Thông tư 01 năm 2016 và Thông tư 04 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức, hoạt động của trường Phổ thông dân tộc nội trú, nêu rõ: "Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú là tuyển sinh đúng đối tượng và chỉ tiêu được giao hằng năm. Giáo dục lao động, hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực của học sinh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức công tác nội trú cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh của nhà trường được ăn, ở nội trú".

Như vậy, hàng trăm lượt học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình, đã vi phạm quy chế hoạt động của trường PTDTNT. Điều này cũng thể hiện năng lực quản lý còn hạn chế của người đứng đầu mà cụ thể là Hiệu trưởng nhà trường.

Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, cũng tại ngôi trường này nguồn nước sử dụng cho học sinh của nhà trường không đảm bảo; khu vực tắm không phân chia nam - nữ, nước dẫn vào khu vực phòng tắm còn hạn chế khiến học sinh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Về vấn đề này, ông Lê Đình Sang cho biết: Sau khi có phản ánh về những bất cập tại khu vực tắm, nhà trường đã cho lắp biển quy định phòng tắm nam, phòng tắm nữ; đồng thời dẫn nước vào các phòng tắm để học sinh thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng.

Đề nghị cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thanh tra, kiểm tra nghiêm túc những sai phạm, vi phạm liên quan đến các Hiệu trưởng nói trên để có câu trả lời thoả đáng cho dân, cho cử tri; Đồng thời, để các cơ quan, đơn vị khác lấy đó làm bài học, rút kinh nghiệm trong quá trình công tác, điều hành; đặc biệt là, việc thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đinh Huê