Học sinh Việt Nam được đánh giá quá cao trong chương trình PISA không khỏi làm nhiều người ngỡ ngàng và muốn đặt lại vấn đề mặt bằng chung của giáo dục hiện nay.
Không nghi ngờ về kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), nhiều bạn đọc cho rằng tố chất của học sinh nói riêng và người Việt Nam nói chung là rất tốt. Vấn đề là chúng ta đã làm gì với những tố chất ấy, chương trình đào tạo ra sao, sử dụng như thế nào...?
“Gạo” tốt nhưng “nấu” ra gì ?
Trước phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển “học sinh chúng ta giỏi thật” nhiều bạn đọc đã ví von điều này như là “tiếng thở phào của ngành giáo dục” trong bối cảnh nền giáo dục hiện nay có quá nhiều vấn đề bất cập: Học thêm dạy thêm tràn lan, chạy theo thành tích, loạn sách giáo khoa... Đây là cuộc đánh giá trong phạm vi hẹp. Chúng ta vui vì nó nhưng đừng quá kỳ vọng và xem đó là chuẩn mà nền giáo dục hiện nay có được.
Bạn đọc Trần Đức bày tỏ: Điều này cũng không có gì lạ. Bởi từ lâu ta đã biết những tố chất của người Việt trong học tập. Nay, khi tổ chức quốc tế kiểm tra theo phương pháp của họ: nghĩa là không theo "đầu bài của Việt Nam" thì kết quả không thấp. Chứ còn đánh giá theo "kiểu của Bộ GD-ĐT thì chắc khối em không đạt. Điều này chỉ càng làm rõ thêm một điều: "Gạo” (HS) Việt Nam không tồi, còn "cơm" (chất lượng đào tạo) ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào "người nấu" (Bộ GD-ĐT) mà thôi".
|
Học sinh Việt Nam rất giỏi nhưng làm cách nào để phát huy khả năng của các em là trách nhiệm thuộc ngành giáo dục |
Tự hào về những gì học sinh Việt Nam làm được, bạn đọc Hương Chanh, tự tin: “Tôi vẫn tin trí lực của người Việt Nam rất tốt ở mọi thời kỳ cho nên việc các em học sinh đạt thứ hạng cao trong kỳ thi này là không mấy bất ngờ”. Bạn đọc này phân tích thêm: Nhưng phải thấy hết điểm yếu của học sinh chúng ta, như ông thứ trưởng nói là kỹ năng giao tiếp, năng lực nghề nghiệp và cuối là nguồn nhân lực của ta yếu kém. Điều này là do hệ thống giáo dục và đào tạo của ta, nhất là với lớp người tuổi từ 16 trở đi và hệ thống sàng lọc nhân tài của xã hội ta càng có vấn đề lớn hơn trong suốt một thời gian tương đối dài. Những người nay ở độ tuổi 60-70 ít nhiều đều chứng kiến một thời kiến thức và tính chuyên nghiệp không đựoc coi trọng đúng mức trong thang giá trị xã hội. Hai mươi năm trở lại đây lại bị “nhiễu” bởi hư danh và lợi lộc. Trộm nghĩ đó là những vấn đề cực kỳ lớn và phức tạp không chỉ đặt ra với ngành giáo dục mà với cả xã hội phải có quyết tâm cao thì mới giải quyết được.
Đừng tự sướng
Rất vui mừng về kết quả trên nhưng nhiều bạn đọc cũng “tâm tư”: Sao càng học lên cao chất lượng học sinh của ta lại càng thấp. Chất lượng sinh viên đã bắt đầu kém so với các nước trong khu vực. Đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì càng có khoảng cách so với các nước Âu, Mỹ. Những nhà trí thức hàng đầu của chúng ta đều phải được đào tạo từ nước ngoài.
Trước thực trạng trên, bạn đọc Nguyên Cao, đặt vấn đề: “Học sinh mình giỏi quá nhưng sao người dân của mình luôn nghèo hơn người dân các nước có học sinh không bằng mình? Bộ GD-ĐT nên đánh giá thực chất hơn, nhìn vấn đề toàn diện hơn để điều chỉnh phù hợp. Nếu chỉ vì đạt được một kết quả tương đối qua một đợt đánh giá trong phạm vi hẹp như trên mà ngủ mơ trong chiến thắng thì cuối cùng cũng dậm chân tại chỗ như bao nhiêu năm nay mà thôi”.
|
Phối hợp học tập và các sinh hoạt cộng đồng để học sinh phát triển toàn diện |
Gay gắt hơn, bạn đọc Yên Định nói thẳng: Cái chúng ta cần là kinh tế phát triển bằng những nước có học sinh tham gia PISA chứ không phải đứng thứ bao nhiêu. Học sinh Việt Nam xưa nay vẫn giỏi đấy thôi không có gì là bất ngờ. Nhưng có một điều cần quan tâm là giỏi như thế mà trình độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, môi trường, đời sống của nhân dân vẫn khổ, vẫn chậm phát triển... thì tại sao?
Cùng tâm trạng này, nhiều bạn đọc, cho biết: Đừng chỉ biết tự hào là “con nhà nghèo” mà học giỏi mà hãy cố gắng trả lời câu hỏi học giỏi mà sao vẫn nghèo. Xưa nay học sinh chúng ta rất giỏi trong các cuộc thi chứ giá trị thực sau các cuộc thi đó là gì thì đã có câu trả lời. Chúng ta chỉ biết đào tạo những người làm việc cần mẫn chăm chỉ, chứ không có nhà quản lý giỏi. Quản lý chuyên gia thì thuê Anh, Pháp, Mỹ... thậm chí có cả chuyên gia của Philippines.
Tạo cơ hội cho tố chất học sinh phát triển
“Tố chất người Việt Nam đã được khẳng định từ ngàn xưa. Con người Việt Nam chịu khó, hiếu học... và đất nước đã sinh ra biết bao nhân tài. Nhưng chúng ta đã tạo cơ hội phát triển cho các tài năng đó ra sao? họ có đất dụng võ? Hơn nhau không phải ở chỗ anh biết những gì mà ở chỗ anh làm được gì với những điều anh biết. Phải tạo cơ hội để những tố chất của học sinh, của mỗi con người được phát triển và sử dụng đúng chỗ thì lúc đó xã hội mới phát triển” - bạn đọc Calyto Stranger.
|
Theo nld.com.vn