Mới đây, Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, quy định cho phép HS được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý từ giáo viên (GV).

Sau khi Thông tư được ban hành, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.  Theo đó, một phần ủng hộ và cho rằng, quy định phù hợp với thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện cho HS tiếp cận công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi quy định được áp dụng vào thực tế.

Quyết định tiến bộ nhưng khó áp dụng

Thầy Trần Mạnh Tùng - GV trường THCS -THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, quy định này của Bộ GD-ĐT thể hiện một quyết định tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội, của Công nghệ thông tin; Tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Bật đèn xanh cho các trường, các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện áp dụng và góp phần hỗ trợ cho phương pháp dạy học trực tuyến vừa được Bộ GD-ĐT công nhận.

Thông tư 32 đón đầu một nhu cầu sẽ có trong tương lai. Tuy nhiên, trước mắt, rất khó áp dụng trong thực tế nên hầu hết các trường sẽ chọn giải pháp an toàn “cấm dùng điện thoại trong giờ học”.

leftcenterrightdel
 Thầy Tùng khẳng định, đây là một quyết định táo bạo và mạo hiểm. Ảnh: Trần Oanh

Thầy Tùng khẳng định, đây là một quyết định táo bạo và mạo hiểm. Táo bạo vì ngay cả người lớn, nhiều người dùng điện thoại còn chưa đúng cách. Còn mạo hiểm vì có quá nhiều nguy cơ mang lại khi cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học.

“Nhiều nước tiến bộ như như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học” - thầy Tùng nói.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, việc triển khai hoàn toàn do các nhà trường chủ động, tuy nhiên, để việc thực hiện được thống nhất và hiệu quả, rất cần hướng dẫn chi tiết của Bộ GD-ĐT; Các nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn GV và HS cách sử dụng điện thoại để dạy và học đúng cách. Từ đó, xây dựng được bộ quy tắc để sử dụng điện thoại hiệu quả; Giáo viên bộ môn cần trau dồi thêm kiến thức về Tin học, về các nền tảng Công nghệ thông tin để có thể áp dụng vào dạy học môn của mình, từ đó xây dựng các nội dung có thể dùng điện thoại để hỗ trợ.

Ngoài ra, phối hợp với cha mẹ HS để cùng hỗ trợ và hướng dẫn các con biết cách sử dụng điện thoại phục vụ cho học tập một cách hợp lý; Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT BGD cũng có thể xây dựng các phần mềm, các cơ sở dữ liệu dùng chung để GV, HS khai thác một cách hiệu qủa.

Theo thầy Tùng, cần rất nhiều thời gian và sự chuẩn bị để Thông tư 32 có thể triển khai rộng rãi. Trước mắt, có lẽ hầu hết các nhà trường sẽ vẫn chọn giải pháp ‘an toàn’ là chưa cho HS sử dụng điện thoại trong giờ” - thầy giáo bày tỏ.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Qúy Đôn, Hà Nội đồng ý với quy định cho HS dùng điện thoại trong giờ học. Thầy Bình chia sẻ:  Đừng vì những mặt tiêu cực như HS lạm dụng điện thoại vào việc cá nhân, chểnh mảng học tập, xem các clip “đen”… mà cấm HS dùng điện thoại. Nhà trường cần có nhũng quy định, chế tài cụ thể cho việc sử dụng điện thoại trong giờ học; Làm công tác giáo dục HScó trách nhiệm với cá nhân trong hoạt động học ...

“Không có gì phải lo lắng quá. Hãy tin vào HS, GV và nhà trường. Tuy nhiên, cha mẹ HS cũng có vai trò lớn trong hoạt động này” - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Qúy Đôn cho hay.

Theo thầy Bình, điện thoại thông minh được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục. Phương tiện nào cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực, chúng ta phải tận dụng mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực .

Trước đây và hiện nay, một số giáo viên, nhà trường đã cho phép HSsử dụng điện thoại phục vụ một số giờ học. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19, để học trực tuyến, một số HS đã sử dụng điện thoại làm phương tiện học tập. Vì vậy, xu thế học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, thì điện thoại thông minh là phương tiện hữu hiệu.

HS dùng điện thoại trong giờ học do GV quyết định

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, đây là quy định tại Điều 37 (Những hành vi HS không được làm) - Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011.

Cụ thể, nếu Điều lệ ban hành kèm Thông tư 12 quy định một trong những hành vi HS không được làm là: “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép”.

leftcenterrightdel
 HS không được sử dụng điện thoại di động khi không được GV cho phép. Ảnh: TT

Về cơ bản, quy định này HS vẫn không được sử dụng điện thoại và chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào GV thấy thực sự cần thiết và cho phép. Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp, nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

“Việc cho HS dùng hay không dùng điện thoại trong giờ học do người GV quyết định. Trong hoạt động đó, thầy cô phải theo dõi, quan sát HS xem có khó khăn, vướng mắc gì để hỗ trợ các em thực hiện hoạt động này. Tất nhiên, khoảng thời gian sử dụng điện thoại chỉ phục vụ cho hoạt động giáo dục nào đó, trong thời gian nhất định” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định, trong giai đoạn HS phải nghỉ học do dịch COVID-19, thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Bộ GD-ĐT hướng dẫn học qua Internet, trên truyền hình. Khi đó, GV, HS có nhiều kênh tương tác để tiếp tục hoạt động học tập, trong đó có kênh qua sử dụng điện thoại.

Bộ cũng đã dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên để xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho HS truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác...

Với trường có hệ thống quản lý học trực tuyến để tổ chức học trực tuyến, HS được giao nhiệm vụ của bài học đó ở nhà và tiếp tục thảo luận nội dung bài học trong lớp. Ở trường hợp này, sẽ thuận lợi nếu học sinh được tạo điều kiện có công cụ truy cập vào bài học mình đã học ở nhà và ở trường.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, HS không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép.

 

Huân Thu