PV: Dù nhiều vụ việc bạo hành trẻ em đã bị lên án và bị pháp luật trừng phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức, nhân cách của một bộ phận người lớn, giáo viên và cả chính cha mẹ các bé. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe. Vì vậy, nhiều người đã bất chấp quy định pháp luật mà có những hành vi ngang nhiên bạo hành trẻ em, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, sức khỏe và tâm lý của trẻ.

leftcenterrightdel
 Bảo mẫu bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ tư nhân Mầm Xanh

Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ, các phụ huynh nên tìm hiểu kỹ nơi mình gửi gắm trẻ. Các cơ quan chức năng cũng cần cố gắng hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của trường mẫu giáo, nhất là các điểm trông  giữ trẻ tư nhân. Ngoài ra, tất cả cộng đồng cùng chung tay chống bạo hành trẻ em. Nếu quan sát thấy trẻ em bị bạo hành hay có dấu hiệu bị bạo hành thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cùng ai đó kết hợp ngăn chặn trước mắt. Nếu chúng ta cứ thờ ơ, thì việc bạo hành trẻ sẽ vẫn còn tiếp diễn.

PV: Các vụ bạo hành trẻ em thường xảy ra ở những cơ sở mầm non tư nhân. Bà có nhận xét gì về cái tâm của đội ngũ những người giữ trẻ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở mầm non?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Đa số những bảo mẫu chưa ý thức được hành vi đánh đập trẻ dã man như vậy là tội ác. Sau khi bị phát giác, họ thường biện minh cho hành vi của mình là để trẻ chịu ăn, trẻ bớt khóc... Tuy nhiên, khi dùng hung khí để đe dọa trẻ là biện pháp không ai chấp nhận được. Trong vụ bảo mẫu ở cơ sở Mầm Xanh lấy bình nước đập liên tục vào đầu trẻ, lấy dao dọa trẻ là hành vi vô cùng nguy hiểm, mất nhân tính. Nó thể hiện sự vô cảm, nhẫn tâm, không có tình yêu thương của những người gọi là bảo mẫu được ví như mẹ hiền đối với những đứa trẻ tội nghiệp.

Trong các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em thường là sự cộng hưởng của những người thiếu ý thức, chưa có kinh nghiệm và sự vô cảm, không có tấm lòng yêu thương. Trong đó, người đầu tiên kể đến phải là người đứng đầu, là hiệu trưởng hoặc chủ nhà trẻ. Nếu người đứng đầu nhà trẻ có tấm lòng yêu, hiểu các bé thì chắc chắn rằng rất hiếm xảy ra việc bạo hành. Bởi, họ sẽ lựa chọn những bảo mẫu, cô giáo tốt, đưa ra nguyên tắc, theo dõi sát sao nhân viên của mình. Còn những người đứng đầu không có tâm ắt hẳn ngôi trường đó sẽ xảy ra biến cố.

Trong vấn đề bạo hành trẻ, bất cứ dùng lời nói hay cái gì nhỏ nhất khiến trẻ hoảng loạn đều phải lên án. Bảo mẫu dùng tay đánh hay dùng hung khí đe dọa trẻ cũng đều là một việc làm không thể chấp nhận được, nhất là với trẻ mầm non. Bởi những đứa trẻ cần được yêu thương, có thể các cô giáo rất vất vả và áp lực khi trông quá nhiều trẻ, nhưng chúng ta cần có biện pháp chứ không phải dùng đến bạo lực.

Đứng dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, tôi không thể chấp nhận hành vi bạo hành trẻ em của những người gọi là bảo mẫu, là người mẹ thứ hai. Chúng ta phải dạy trẻ em bằng sự nghiêm khắc nhưng trong yêu thương… Do đó, với các vụ bạo hành trẻ em tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm minh, đúng người, đúng tội để răn đe, phòng ngừa.

PV: Tình trạng bạo hành, lạm dụng trẻ em ngày một gia tăng và đa phần đều do người dân hay báo chí phát giác. Vậy theo bà cần có những biện pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Để giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em ở các nhà trẻ, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra các bảo mẫu có bằng nghiệp vụ sư phạm mầm non không?, có thường xuyên được các tổ chức đơn vị tập huấn về đạo đức nghề nghiệp; nâng cao năng lực trong công việc của mình không? Phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Dù có bằng cấp, có nghiệp vụ nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp thì cũng phải xem xét lại. Ngoài ra, cần phải thường xuyên tập huấn các lớp rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người giữ trẻ. Mời các luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em đến tuyên truyền bằng các Phiên tòa giả định về bạo hành trẻ để luôn nhắc nhở các cô giáo về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Hoa Việt (thực hiện)

Luật Bảo vệ trẻ em còn chưa nghiêm

 Luật gia Đặng Đình Thịnh - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM - Hội Luật gia Việt Nam: Hiện nay, các hành vi xâm hại trẻ em cũng được quy định trong Luật Hành chính, Luật Hình sự với nhiều khung hình phạt. Tuy nhiên, nhìn chung, hình phạt chưa cao, các quy định còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, các biện pháp, chế tài để bảo vệ trẻ em chưa đảm bảo tính hiệu quả áp dụng, tính nghiêm minh và sức răn đe. Ví như, tại Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em) có quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.