(BVPL) - Hàng năm ở Thanh Hóa, trung bình có tới hơn 20.000 thí sinh thi đỗ vào các trường đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng, Thanh Hóa đang là tỉnh đứng đầu cả nước về số sinh viên (SV) thất nghiệp sau khi ra trường.

 
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Long - Phó Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến số SV thất nghiệp nhiều như hiện nay là do việc đào tạo SV bây giờ mở rộng rất lớn, khoảng 20 năm trở lại đây có hàng trăm trường ĐH, CĐ, TC từ chính quy cho đến tư thục được mở ra. Việc xác định chỉ tiêu lại do các trường tự quyết định trên cơ sở số lượng giáo viên trong trường chứ không do Bộ quy định và hạn chế dẫn đến tình trạng tuyển sinh tràn lan, ồ ạt. Ngoài ra còn sinh ra loại vừa học vừa làm khiến số lượng SV ngày càng lớn trong khi đó nhu cầu tuyển dụng ít do những năm gần đây các cơ quan nhà nước đã ổn định, nhiều doanh nghiệp “chết”. Nhiều ngành nghề đào tạo ra không phù hợp với xã hội khiến không ít SV tốt nghiệp loại Giỏi vẫn thất nghiệp”.
 
“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây, trung bình mỗi năm có đến hơn 20.000 HS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Tuyển sinh quá ồ ạt kéo theo chất lượng đương nhiên sẽ giảm khiến cho số lượng SV thất nghiệp mỗi năm càng tăng lên đáng kể. Điều đau lòng nhất đối với ngành giáo dục là do thừa quá nhiều khiến những năm gần đây học sinh không dám đăng ký thi sư phạm dẫn đến việc chúng ta bỏ qua nhiều học sinh có trình độ giỏi”, ông Long nhấn mạnh.
 
Ngành lao động không nắm được?
 
Để tìm hiểu về con số cụ thể SV đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, chúng tôi đã đến liên hệ với Phòng Việc làm - An toàn lao động, thuộc Sở LĐ - TB & XH tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng cho hay: “Phòng tôi chỉ có chức năng quản lý chung về lao động chứ không phân ra từng nhóm nên không có số liệu cụ thể số HS-SV đã có việc làm sau khi tốt nghiệp. Cái này các anh chị qua bên Sở Giáo dục họ mới có thống kê cụ thể về việc này”.
 
Tuy nhiên theo ông Long, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT thì Sở GD chỉ thống kê số SV đang theo học cũng như số SV thất nghiệp còn số SV hiện có việc làm thì bên Sở LĐ -TBXH quản lý.
Nhưng đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Đình Tùng, thì ông Tùng cho hay: “Hằng năm cứ cuối năm thì chỉ khoảng được 20 huyện báo cáo. Bất cập cho ngành lao động là hầu hết cán bộ đều không học ngành lao động ra nên ngay việc báo cáo về chỉ tiêu, khái niệm thế nào là lao động, họ cũng không nắm được”.
 
Theo Dân Trí