Trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, trong giáo dục không chỉ có khái niệm dạy – học mà cần thêm khái niệm chia sẻ. Đó là vấn đề được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo Dạy - học - chia sẻ: Hội nhập quốc tế, những vấn đề cần đặt ra, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.


Tuy nhiên để đạt được lợi ích từ chia sẻ, TS Trần Đình Châu cho rằng Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải hội nhập, “gạn đục khơi trong”, biết nắm bắt, học hỏi, chia sẻ với các nền giáo dục tiến bộ trên cơ sở điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta.

Nhiều chia sẻ tại hội thảo cho rằng: Các nền giáo dục tiên tiến có sức hút mạnh mẽ, quá trình chia sẻ, kết nối cần tính đến điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội hiện nay và tương lai của nước ta để đạt hiệu quả. Đặc biệt, một vấn đề được xem là rào cản lớn trong quá trình hội nhập được đưa ra, đó là ngôn ngữ. Việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho nguồn nhân lực không chỉ là vấn đề quan tâm của giáo dục, mà là nhận thức chung của xã hội.

Tiếp tục trao đổi, TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Đối với nước ta, quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với cách làm trước đây. Vì vậy nhận thức về những nhiệm vụ của giáo dục hiện nay cũng cần có những thay đổi.

Ông Hưng nhận định, trước hết cần quan niệm giáo dục là phúc lợi xã hội. Quan niệm này được xét từ phương diện quyền và lợi ích của người học, lợi ích của của cộng đồng và xã hội. Mọi người dân đều có quyền được tiếp cận và hưởng thụ lợi ích của giáo dục như nhau. Đồng thời cần nhận định đúng quan niệm “giáo dục là loại hình dịch vụ”.

Quan niệm này xuất phát từ thực tiễn, đó là trong nhiều năm qua, mọi hoạt động xã hội được vận hành, trong điều kiện kinh tế thị trường, trong đó giáo dục đang chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường… Đặc biệt, để phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thù Chính phủ rất cần phải đổi mới về cơ chế hoạt động trong giáo dục...

Mở rộng học tập từ xa

Tại hội thảo, vấn đề được đặt ra và nhận nhiều sự quan tâm nhiều nhất, đó là cơ hội học tập qua đào tạo từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. PGS. TS Lê Văn Thanh - Viện trưởng Viện ĐH Mở cho rằng: Với sự vượt bậc của công nghệ thông tin, trong thế kỷ 21, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo trở thành xu thế phát triển của thế giới, nhất là đối với cộng đồng giáo dục mở từ xa.

Theo đó, Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, được Chính phủ phê duyệt, cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển này.

TS Trần Đình Châu cũng cho rằng: giáo dục trực tuyến có nhiều ưu thế so với giáo dục truyền thống. Giáo dục trực tuyến cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, nhanh chóng.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận định: Đào tạo từ xa là xu hướng rất phát triển trên thế giới, vì sự mềm dẻo, linh hoạt, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể tham gia học tập. Với mức độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay thì giáo dục không còn giới hạn trong một trường, lớp hay 1 quốc gia mà có thể lan rộng ra thế giới, tạo cơ hội bình đẳng hơn cho mọi sinh viên, người học tiếp cận công nghệ hiện đại.

“Một giáo sư giỏi trên thế giới, ngày xưa họ chỉ giảng 1 lớp nhưng ngày nay các trường có kết nối internet thì cũng có thể nghe bài giảng của giáo sư đó, nên kiến thức được phổ biến rất nhanh. Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án đào tạo từ xa. Bộ GD&ĐT muốn nhấn mạnh đào tạo từ xa với mục tiêu phát triển xã hội học tập…

Hiện nay có rất nhiều người có bằng tốt nghiệp ĐH, thậm chí là thạc sĩ hay tiến sĩ, cũng có thể theo học một số ngành cần thiết để phục vụ công việc. Đặc biệt, khi hình thành cộng đồng kinh tế AEC rất nhiều người cũng sẽ học ngoại ngữ, các khóa ngắn hạn để tìm kiếm cơ hội việc làm” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.

Nói về việc có những người quan niệm, học từ xa là phương pháp để những người không có điều kiện đi học có thể bỏ tiền ra mua một tấm bằng. Nghĩa là việc quản lý chất lượng, cấp bằng vẫn còn nhiều bất cập. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Nếu về chất lượng thì đây là phương thức rất hiệu quả. Trong dự án đào tạo từ xa được phê duyệt, trong đó có phát triển chính sách, cơ chế kiểm soát chất lượng. Bộ cũng sẽ điều chỉnh chính sách, quản lý chất lượng hệ đào tạo từ xa này, làm sao cho bằng của đào tạo từ xa cũng không thua kém gì học chính quy.

Một số phương pháp có thể áp dụng được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra, đó là kiểm soát việc tuyển sinh, chất lượng đào tạo, giáo trình, mức độ tương tác giữa người học với người dạy. Cuối cùng là kiểm tra và đánh giá qua từ xa. Chúng ta thực hiện qua mạng hoặc qua trung tâm, hoặc ngay tại trường cung cấp chương trình từ xa. Nghĩa là sẽ có quy trình, quy chuẩn an toàn để tất cả các trường có chương trình thực hiện đúng, đảm bảo chất lượng.
 

Theo Đại đoàn kết

.