(BVPL) - Trong những năm gần đây, theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, trên toàn quốc, lượng học viên, sinh viên học nghề ra trường chiếm tới 70% có ngay việc làm, trong đó có những nghề, những trường đảm bảo 100% sau khi ra trường có việc làm. Với những ngành nghề “hot” doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi học viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Những con số thống kê đều cho thấy, cơ hội sau khi được đào tạo nghề có việc làm là rất cao. Thế nhưng vì nhiều lý do các cơ sở đào tạo nghề vẫn gặp khó trong công tác tuyển sinh.

 


Tuy nhiên có thể thấy rằng, hiện nay đa số các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề còn đang gặp rất nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, công nghệ kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên việc chưa thu hút được học viên là điều dễ hiểu... Liên kết với các doanh nghiệp cùng phối hợp đào tạo chính là giải pháp hữu hiệu nhất mà các cơ sở, trung tâm dạy nghề đang áp dụng. Đơn vị tuyển dụng yêu cầu nhân lực có kỹ thuật phù hợp, cơ sở đào tạo thì giúp học viên có cơ hội tiếp cận thực tế sản xuất nhưng không phải ngành nghề nào cũng áp dụng được cách làm này mà có hiệu quả cao.

Còn ông Lê Viết Thắng, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận, chạy theo hoạt động kinh doanh. Nhà trường muốn cung cấp những kiến thức và kỹ năng cho người học. Doanh nghiệp không mấy khi người ta tuyển dụng cùng một lúc 20 – 30 em nhưng quy mô lớp học chúng ta phối hợp với nhau một cách nó hiệu quả nhất”.

Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung đào tạo 120 ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, bao gồm: Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đặc biệt sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm trường cao đẳng được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ. Song song đó, cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa; phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề… Tổng kinh phí dự án dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 hơn 15.000 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt điều này, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, Tổng cục Dạy nghề sẽ tổng rà soát hệ thống trường dạy nghề. Trường nào không có học viên; cơ sở vật chất xuống cấp, không có khả năng đầu tư thì tiến hành giải thể, sáp nhập… Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, nội dung chương trình đào tạo cũng có nhiều thay đổi. Các trường tự xây dựng nội dung chương trình và Tổng cục Dạy nghề chỉ quản lý đầu ra. Nếu các trường không tự đổi mới thu hút người học, sẽ bị đào thải. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề thì việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng tại các trường dạy nghề là yêu cầu cấp bách. Theo kế hoạch đang được đề xuất, đến năm 2020 sẽ thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề thuộc Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề và khoảng 20 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề do các tổ chức và cá nhân thành lập.

Hướng tới tự chủ tài chính, chắc chắn các cơ sở đào tạo nghề sẽ phải có những thay đổi lớn để có thể duy trì hoạt động. Tuy nhiên, để giải bài toán này không chỉ là sự đổi mới từ nhà trường, các trung tâm đào tạo mà cần những cơ chế mở hơn, thông thoáng hơn để các công ty, doanh nghiệp cùng đồng hành nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm thu nhập ổn định cho người lao động.
 

PV

.