Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định như vậy khi nói về mô hình trường học mới VNEN tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mô hình giáo dục VNEN là một phương pháp học tập rất tiến bộ và ưu việt. Tuy nhiên, chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt được yêu cầu như mong muốn vì khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện nó, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sỹ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD&ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này.
|
Một lớp học VNEN |
Được biết, số trường đăng ký triển khai mô hình trường học mới VNEN năm học 2017 - 2018 tăng hơn so với năm 2016.
Cụ thể, cấp tiểu học có 58 tỉnh/thành tham gia với 4.800 trường học triển khai (năm học 2016 - 2017 có 4.441 trường), số học sinh tham gia chiếm 18% tỷ lệ học sinh tiểu học cả nước.
Cấp THCS cả nước có 51 tỉnh/thành triển khai với 1.500 trường tham gia (năm học 2016 - 2017 có 1.180 trường), số học sinh tham gia chiếm 13% so với học sinh THCS cả nước.
Được biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang triển khai viết bộ sách mới về mô hình VNEN trên cơ sở rút kinh nghiệm những ưu điểm cũng như những mặt hạn chế của bộ sách thuộc dự án VNEN để tổ chức bộ sách giáo khoa mới và thiết bị dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đạt chất lượng tốt nhất ở cấp tiểu học và THCS nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi Bộ GD&ĐT ban hành chương trình tổng thể và chương trình bộ môn.
TS. Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới là “Trường phổ thông được đổi mới căn bản và toàn diện về tổ chức hoạt động và cơ sở vật chất” (CTGDPT tổng thể).
Như vậy có thể rút kinh nghiệm từ Mô hình nhà trường của Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) để phát triển, hoàn thiện các trường phổ thông trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) nói riêng.
Ông Hiển cho rằng, CTGDPT mới yêu cầu phải vận dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực. Khó khăn chính của đội ngũ giáo viên (GV) là với mỗi bài học thì nên áp dụng phối hợp các PPDH và kĩ thuật dạy học như thế nào. SGK nếu được biên soạn tốt thì sẽ hỗ trợ GV và học sinh (HS) rất nhiều.
Về mặt này, tài liệu Hướng dẫn học (có vai trò như SGK) của Dự án GPE - VNEN (viết tắt là SGK THM) có ưu điểm hơn hẳn SGK hiện hành. Điều đó đã được khẳng định bởi các lớp sử dụng SGK THM trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ bản chất nên một số GV chưa phát huy hết các ưu điểm của PPDH và của SGK THM, thậm chí gây ra những hiểu nhầm không đáng có.
Theo ông Hiển, mỗi bài học (loại bài kiến thức mới) trong SGK trường học mới hướng dẫn HS học theo một phương pháp chủ đạo, với đầy đủ các dấu hiệu của các PPDH tích cực, trong đó “người thầy trực tiếp” là GV trên lớp và “thầy gián tiếp” là tác giả của SGK.
SGK không cung cấp sẵn kiến thức mà hướng dẫn các hoạt động học tập tích cực để tìm tòi kiến thức. HS chủ động học cá nhân và học tương tác với bạn theo hướng dẫn của SGK, dưới sự theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ của GV. Cùng với SGK, HS và GV cũng được khuyến khích sử dụng các tư liệu (phương tiện) dạy học khác như: sách tham khảo, đồ dùng dạy học, internet…
Theo Hồng Hạnh/Dân trí