(BVPL) - Sự kỳ vọng quá lớn vào con cái khiến nhiều ông bố, bà mẹ thành “hung thần”, biến con cái thành những đứa trẻ rối loạn tâm thần.   

 
 
Nhà chị có hai đứa con, đứa anh học giỏi, ngoan ngoãn, lại có nhiều năng khiếu, luôn là niềm tự hào của ông bà, cha mẹ. Đứa em tính cách thông minh, lanh lợi nên chủ quan cẩu thả, học hành lại yếu hơn anh bởi vậy lúc nào cũng bị lôi ra so sánh.
 
“Con phải học tập anh trai của con.” là cách mà chị Thanh vẫn hay nói khi cậu con nghịch ngợm, lười biếng làm chị phiền lòng. Kết quả là hai đứa con trai của chị càng ngày càng trở nên xa cách nhau. Thậm chí vì một chuyện gì đó chúng còn sẵn sàng đánh nhau như xa lạ.
 
“Theo bố mẹ con nên thi vào trường Y vì bố mẹ sẽ có cơ hội chia sẻ với con cả trong học tập lẫn trong công việc. Bố đã nói như vậy vào cuối năm lớp 11” Nguyễn Phương Liên sinh viên năm cuối trường Đại học Y – Hà Nội tâm sự.
 
Được biết ước mơ của Liên là trở thành một nhà kinh doanh giỏi. Nhưng bởi bố mẹ luôn đồng hành và khuyên bảo theo ngành của gia đình nên Liên sớm ý thức được trách nhiệm cũng như hoàn toàn thoải mái để trao đổi khó khăn, vướng mắc với bố mẹ. Đến giờ Liên vẫn thầm cảm ơn bố mẹ vì đã chỉ ra con đường đúng đắn, giúp Liên thêm yêu nghề y và muốn làm nghề thực sự.
 
“So sánh ngày xưa” – viên kẹo đắng
 
Vô tình người viết bài này đi ngang qua một trường tiểu học vào giờ tan tầm và nghe được một cậu bé đang hớn hở khoe mẹ về điểm 9 môn toán của mình. Mẹ cậu tỏ ra rất bình thường và hỏi con ở lớp có ai được điểm 10 hay không. Cậu bé thật thà đáp: “Có bạn Linh lớp trưởng được 10 thôi mẹ ạ.” Nghe xong, người mẹ thản nhiên nói: “Vậy thì con phải được 10 như bạn Linh mới là giỏi.”
 
Tôi không có nhiều bình luận về câu chuyện này bởi mỗi người có một cách dạy con khác nhau. Có thể, người mẹ đang dạy con mình không nên tự thỏa mãn với kết quả quá sớm. Nhưng phải chăng thay vì câu nói mang tính ép buộc “con phải được 10” người mẹ có thể động viên, kích thích sự phấn đấu của con bằng cách gợi mở nhiều phương án cho con lựa chọn “Con nên mượn bài kiểm tra của Linh để xem mình sai ở đâu”, “Con nên chơi với Linh và hai đứa cùng giúp nhau tiến bộ”…
 
Cha mẹ nào cũng mong muốn cho con những điều tốt đẹp, nhưng nhiều người đã truyền tải điều đó bằng “áp lực” đối với con trẻ, mà ngay chính bản thân họ cũng không nhận ra. Người lớn đôi khi là ích kỉ, biến con cái trở thành công cụ đi xây dựng ước mơ cao cả của cuộc đời mình.
 
“Con phải học giỏi, con phải ngoan, phải được học bổng, phải chơi với bạn tốt…” người lớn thường hay nói những câu như vậy. Nhưng chỉ dạy cho con cách học thế nào để giỏi, như thế nào là ngoan, làm sao để đạt học bổng và chơi với bạn nào thì tốt… hẳn ít người lớn làm được.
 
Một “căn bệnh” nữa mà người lớn hay mắc (dù rằng khi còn là trẻ con họ rất ghét) đó là đem ngày xưa ra so sánh để kết luận đi học bây giờ là rất sướng.  Nếu ngày xưa, khi điều kiện còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, việc đi học là niềm khao khát thì ngày nay, con em chúng ta đang sống trong một xã hội “sẵn có” việc đi học lại là quyền và nghĩa vụ.
 
Ngày xưa nền giáo dục chỉ đơn giản ở mức phổ thông, ngày nay giáo dục nước nhà đã nâng lên một tầm cao mới, có nhiều môn học hơn đồng nghĩa với khối lượng kiến thức nhiều hơn, khó hơn…  đòi hỏi các em phải phát triển tư duy, sáng tạo, rèn luyện kĩ năng, đạo đức lối sống một cách toàn diện.
 
Hơn nữa, trường lớp của các em giờ đây thực sự là một xã hội thu nhỏ. Xã hội ấy cũng có nhiều vấn đề mà các em phải đối mặt như: bạo lực học đường, mất đồ dùng học tập, bị đối xử thiếu công bằng…. Chưa kể đến những kì thi phải dốc sức ôn luyện, những ganh đua trong học tập và những diễn biến tình cảm, tâm lý yêu ghét phức tạp ở lứa tuổi các em. Rồi tiếp tục chịu sức ép từ phía bố mẹ về điểm số môn học. Vậy thì đi học quả là không hề đơn giản và sung sướng như nhiều người vẫn quan niệm?
 
Vẫn biết rằng, lắng nghe và thấu hiểu con cái là một nghệ thuật và không phải bố mẹ nào cũng có thể làm tốt được điều này. Nhưng vì con trẻ, hãy thử một lần sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ.      
 
Theo Pháp Luật Việt Nam