leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định quan điểm của Bộ này. Đồng thời cho biết, ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư, là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm, học thêm. Ví dụ như: điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Đối với các cơ sở và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì phải có những cam kết với UBND các cấp từ cấp phường, xã cho đến cấp quận, huyện để đảm bảo yêu cầu về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, công khai về tổ chức, địa điểm, mức phí, đội ngũ…

Trong đó, thông tư có các điều, khoản quy định đối với người dạy thêm, đối với người đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm, điều kiện về cơ sở vật chất... vì đây là loại hình rất đặc biệt, tác động đến học sinh. Nhưng sau này, dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng.

Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương. Do đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, đa số giáo viên dạy thêm là nhỏ lẻ nhưng hiện có những hình thức như: tổ chức thành trung tâm, học online…Dạy thêm là không thể cấm, song đã là loại hình kinh doanh thì phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước. Điều này nhẳm đảm bảo chất lượng giảng dạy, trách nhiệm của thầy, cô cũng như quyền lợi của người học. “Do đó, dù nhỏ lẻ thì vẫn phải quản lý, đó là quan điểm của Bộ”- ông Sơn nhấn mạnh.

Minh Nhật