(BVPL) - Mọi người luôn có một suy nghĩ mặc định rằng, học thêm là một hình thức học tập chứa đựng những yếu tố tiêu cực nhiều hơn là tích cực... Họ móc nối những tiêu cực hy hữu để rồi quy chụp ngay rằng học thêm là xấu. Nhưng chuyện học thêm chưa hẳn là tiêu cực, chỉ khác là cách nhìn nhận.
 


Mỗi thời đại, có một cách sống khác nhau, không thể mang những điều phổ thông của thời đại trước để áp dụng lên thời đại mới. Cũng giống như việc, chúng ta mang một động cơ 50 phân khối của chiếc Honda 67 để lắp vào khung xe của chiếc mô tô phân khối lớn, rồi bắt nó phải vận hành y như chiếc mô tô chuẩn. Không thể làm được điều đó trừ khi động cơ ấy phải được nâng cấp, tiến hóa toàn bộ. Sao tôi lại lấy hình ảnh của xe cộ để nói về vấn đề học thêm? Vì hình ảnh của nó có nét tương đồng với quá trình phát triển của xã hội, mà học hành, giáo dục cũng là một trong những vấn đề nằm trong xã hội ấy.

Nhu cầu học hành của con người là vô hạn. Việt Nam ta cũng vậy, đã thấm thía cái sự thiệt thòi khi đã có thời kỳ bị mù chữ đến 95% dân số.  Lê Nin cũng đã nói rằng “Học, học nữa, học mãi”, vậy thì tại sao khi đã biết chữ thì lại không được học thêm cho giỏi hơn. Xét cho cùng nó cũng là nhu cầu hết sức bình thường.

Theo Điều 3, Chương I, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học

Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Như vậy, có thể thấy việc dạy thêm, học thêm hoàn toàn là những điều được coi là chính đáng của cả thầy và trò. Đó là nhu cầu cần thiết, tất nhiên miễn là đáp ứng đúng với quy định hiện hành.

Cũng chia sẻ về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn – giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra ý kiến: “Nguyên nhân quan trọng nhất là do chương trình nặng. Chương trình của chúng ta nặng hơn so với thế giới, lệch từ 1 đến 3 năm. Với chương trình như hiện nay khẳng định nếu không học thêm thì không hiểu được, bố mẹ cũng không thể dạy hiểu được con. Việc học thêm phải là tự nguyện chứ không phải ép buộc. Nếu như vậy thì “Dạy thêm không có gì xấu nếu dạy nghiêm túc, bởi mình cấm có được đâu”.

“Con người ta đi học cần phải kèm cặp, ở nước ngoài họ cũng kèm cặp, chuyện đó là bình thường làm sao mà cấm được. Nhưng đó là trong sạch, còn ép học thêm lại là chuyện khác…” – GS.TS Nguyễn Xuân Hãn lí giải thêm về điều này.

Tiêu cực chỉ là hi hữu

Có nhiều người vẫn xót xa khi thấy hình ảnh những học sinh cấp 1, cấp 2  phải đeo balo sách vở hàng chục cân trên lưng, rồi học ngày học đêm nhưng rõ ràng mỗi người có sự lựa chọn riêng cho cuộc sống của họ, họ cho đấy là điều tốt với bản thân thì họ làm. Vấn đề đáng nói là thực tế hiện nay, việc học thêm đôi lúc không hẳn vì nhu cầu mà vì theo phong trào, vì không tham gia thì học sinh sẽ bị trù dập…

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tiêu cực của việc học thêm, GS.TS Nguyễn Xuân Hoãn cho rằng: “Đây là một vấn đề nhạy cảm, không phải ai cũng nói ra. Cần phải nói thêm là lương giáo viên hiện nay còn thấp. Việc dạy thêm ở nhà trường lại gắn liền với tiền nong, với quản lý thu chi… Giáo viên trực tiếp giảng dạy chỉ được 60% tiền thu của học sinh, còn lại sẽ phải nộp cho nhà trường chi cho công tác quản lý, cơ sở vật chất… cho nên đôi khi tiêu cực sẽ xảy ra, nhưng đó không phải tất cả.”

Những câu chuyện như: cô giáo ép học sinh phải học thêm để kiếm chác, không học thì trù dập khiến phụ huynh không còn sự lựa chọn nào khác. Những việc ấy có thể có thật.. Đơn giản vì những điều tiêu cực khi được phơi bày trên mặt báo, phương tiện truyền thông thì mọi người có thể có những suy nghĩ quy chụp.

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Nếu chúng ta biết phát huy những mặt tích cực của việc học thêm thì chắc chắn nó sẽ là vấn đề rất được ủng hộ. Quan trọng là chúng ta nhìn nó ở khía cạnh nào và có thái độ cầu thị để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy những mặt tích cực của nó hay không.
 

Anh Tú

.