Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết bộ sách giáo khoa này do Sở phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện. Ông Hoàng nhìn nhận, bộ sách giáo khoa cũ đưa vào sử dụng thiếu tính thực tế, những người biên soạn sách không phải là những người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy thực tế. Do đó, lần biên soạn này sẽ khắc phục được hạn chế đó.
leftcenterrightdel
Bộ sách giáo khoa mới sẽ viết theo định hướng phát triển năng lực của từng học sinh. 

Theo đó, để biên soạn bộ sách giáo khoa mới này, TP Hồ Chí Minh đã lựa chọn ra những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy thực tế để cùng tham gia viết và thẩm định, từng bộ môn sẽ có những chủ biên riêng. Còn công tác phát hành và trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và chủ biên bộ sách đó vẫn là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông Hoàng cho hay, bộ sách giáo khoa mới phải bám theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, bộ sách này viết theo định hướng phát triển năng lực của từng học sinh, kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, tăng cường tính ứng dụng và giảm tính lý thuyết hàn lâm đối với những bộ môn về khoa học, không đặt nặng đến vấn đề học thuộc lòng…

Bên cạnh đó, bộ sách này còn có những nội dung sát với đặc thù riêng của thành phố về lịch sử, văn hóa, kinh tế như hoạt động giáo dục địa phương sẽ được giảng dạy bằng sách lịch sử TP Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định và chủ đề dạy học trong các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường, gắn với giáo dục khởi nghiệp. “Bộ sách này không chỉ phù hợp với học sinh Thành phố mà nó còn gắn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở không áp đặt các trường sử dụng bộ sách này hay bất kỳ bộ sách do các nhà xuất bản nào phát hành mà sẽ do tổ chuyên môn các trường tự thẩm định và lựa chọn, căn cứ vào mục tiêu giáo dục, năng lực truyền thụ và điều kiện thực tế sử dụng để chọn bộ sách phù hợp nhất với học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đồng ý cho Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa.

Dự kiến bộ sách giáo khoa này sẽ đưa ra thị trường chậm hơn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, gần như không có khả năng kịp đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020.

Theo Đan Phương/Báo tin tức