|
|
Nhiều cửa hàng hết sách giáo khoa phục vụ năm học mới. (Ảnh: TTXVN) |
“Cô giáo hẹn ngày mai, 21/8, phải mang sách cho cô kiểm tra, thế mà giờ mới chỉ có 4 quyển,” anh Hùng lo lắng nói.
Săn... sách giáo khoa
Bốn cuốn sách anh Hùng mua được gồm Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục tập 1, Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục tập hai, Em tập viết 1 tập một và cuốn Học mỹ thuật. Còn thiếu sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục tập ba, Sách Toán 1, Tự nhiên-Xã hội 1, sách Em tập viết...
Không thể tìm mua nổi sách cho con ở Nam Định, anh Hùng đành nhờ người thân đang làm việc tại Hà Nội mua giùm. Tuy nhiên, sau khi “vét” các hiệu sách ở Thủ đô, người thân anh cũng chỉ gom được thêm 7 cuốn, vẫn còn thiếu 4 quyển là Tự nhiên-Xã hội 1, Bài tập Tự nhiên xã hội 1, Thự hành thủ công 1, Tập bài hát 1.
Ngày mai con sẽ phải mang sách đến trường nên cả sáng nay, anh Hùng đứng ngồi không yên, liên tục hỏi người thân khi nào thì sẽ mang sách về đến Nam Định.
“Nhà trường nói nếu phụ huynh nào không mua được sách thì đăng ký với trường để trường lập danh sách đăng ký mua bổ sung. Nhưng không biết lúc nào thì mới có sách bổ sung trong khi chỉ hai tuần nữa là con chính thức vào năm học mới,” anh Hùng chia sẻ.
Anh Hùng chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh đang đôn đáo tìm sách cho con trước thềm năm học mới 2018-2019 này.
Không chỉ sách giáo khoa lớp 1, các lớp đầu cấp như lớp 6, lớp 10 năm nay đều rơi vào tình trạng khan sách giáo khoa.
Để có đủ bộ sách lớp 6 cho con, chị Hoàng Hạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị phải đi khắp các nhà sách, gom từng quyển. “Không hiệu sách nào có đủ cả bộ, cứ có quyển này lại thiếu quyển kia,” chị Hạnh nói.
Tương tự, chị Nguyễn Bích Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải rất vất vả để gom sách giáo khoa cho con trai năm nay vào lớp 10.
|
|
Anh Hùng cẩn thận đánh dấu những quyển đã mua được trong danh sách sách lớp 1. (Ảnh: NVCC) |
Khẩn trương cung ứng sách bổ sung
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch in và phát hành sách giáo khoa dựa vào số lượng đặt mua sách của các Công ty Sách-Thiết bị trường học địa phương cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành sách giáo khoa các năm học trước.
Tính đến ngày 15/8/2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành trên 100 triệu bản sách giáo khoa, đạt 102% kế hoạch.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn thành lập các đoàn giám sát việc phát hành sách giáo dục tại các địa phương trong cả nước, đảm bảo không để xảy ra thiếu sách, sốt sách.
Đơn vị này cũng lập nguồn sách giáo khoa dự phòng để có thể kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt, vận động học sinh dùng sách cũ.
Ông Tùng cho rằng với nhiều giải pháp phối hợp như vậy, đến thời điểm này về cơ bản, việc phục vụ sách giáo khoa cho học sinh trên cả nước đón năm học mới đã đầy đủ, đồng bộ, kịp thời.
Tuy nhiên, trước việc phụ huynh gặp khó khăn trong việc mua đủ bộ sách cho con, nhất là ở các lớp đầu cấp, ông Hùng thừa nhận có hiện tượng thiếu sách tạm thời.
Lý giải về vấn đề này, ông Hùng cho biết do năm nay ở các lớp đầu cấp đều có sự tăng đột biến về số lượng học sinh, dẫn đến việc thiếu sách ở một số cửa hàng.
Đặc biệt, sách giáo khoa Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục, đến cuối tháng 7/2018, Hội đồng thẩm định quốc gia mới thẩm định và phê duyệt xong bộ sách này. Sau đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẩn trương tổ chức sửa chữa, hoàn thiện bản thảo sau thẩm định, triển khai in gấp và chuyển sách tới các địa phương.
“Khắc phục tình trạng đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẩn trương cung ứng bổ sung sách giáo khoa, phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng,” ông Tùng cho biết.
Cũng theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ngày 19/8, lượng sách bổ sung đã được chuyển đến các địa phương để kịp thời phục vụ năm học mới./.
Phạm Mai/vietnam+