Học sinh năm cuối khoa âm nhạc truyền thống của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai trong giờ học. Ảnh: V.TUYÊN
Học sinh năm cuối khoa âm nhạc truyền thống của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai trong giờ học. Ảnh: V.TUYÊN
 
Theo TS.Nguyễn Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, để tuyển được 12 học sinh này là một nỗ lực rất lớn của tập thể sư phạm nhà trường.
 
* Khó tuyển sinh
 
Theo TS.Nguyễn Hồng Ân, hàng năm Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đóng góp một lượng sinh viên đáng kể cho khoa âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Trường được xem là nơi ươm mầm tài năng nghệ thuật, tạo nguồn cho các trường đại học, nhạc viện - nơi để các em có năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật hướng đến với những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Theo lý giải của TS.Nguyễn Hồng Ân, xu hướng của người học hiện nay thường chọn các môn âm nhạc phương Tây, thanh nhạc và múa vì dễ tìm chỗ biểu diễn hơn sau khi học xong, thậm chí có việc làm thêm ngay lúc còn đang học ở trường. Trong khi đó, với các môn âm nhạc truyền thống thì chuyện này khó hơn nhiều vì nơi biểu diễn rất hạn chế.

 
Ksor Trang (16 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) cho hay: “Em học hệ trung cấp 6 năm khoa âm nhạc truyền thống. Năm nay đã là năm cuối nhưng em chưa tìm được chỗ biểu diễn để làm thêm, có thêm thu nhập. Nhiều lần về thăm nhà, hàng xóm, người thân hay trêu em không biết học xong sẽ đi làm ở đâu. Em cũng đang bắt đầu lo”.
 
Bên cạnh tâm lý lo khó tìm việc sau khi học xong, đa phần học sinh theo học âm nhạc truyền thống thường có tuổi đời khá nhỏ (thường chỉ vừa học xong tiểu học thì vào Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai) nên phụ huynh cũng ngại cho con em đi học nội trú xa nhà vì sợ chưa thể tự lo cho bản thân. “Em hay nhớ nhà, nhớ mẹ. Dịp cuối tuần có khi cha mẹ lên thăm, có khi em đón xe buýt về thăm nhà. Nhưng mà ở đây có các thầy cô kèm cặp đi học, từng bữa ăn, giờ giấc sinh hoạt nên rất vui” - em Bế Văn Toàn (năm nay lên lớp 8, dân tộc Nùng, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ), học sinh vừa được tuyển vào lớp đàn nguyệt Khoa âm nhạc truyền thống, nói.
 
Ngoài những nguyên nhân kể trên, hiện việc cấp kinh phí đào tạo hàng năm cho trường tính theo đầu biên chế đang làm hạn hẹp nguồn tuyển sinh của trường, vì dù có muốn tuyển số học sinh cao hơn cũng không được vì không lấy đâu ra tiền trả cho giáo viên đứng lớp.
 
* Nhiều ưu đãi với người học
 
Từ những trở ngại vừa nêu, để hút học sinh đến với các loại hình âm nhạc truyền thống, bên cạnh chính sách, hỗ trợ chung của Nhà nước, Đồng Nai còn có những ưu đãi riêng đối người học. Trong đó, học sinh theo học các môn âm nhạc truyền thống, múa được giảm 70% mức học phí nên mỗi em chỉ đóng 1,17 triệu đồng/năm. Riêng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được giảm 100% học phí. Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số học ở trường còn được hỗ trợ tiền ăn (1,3 triệu đồng/tháng/người); được miễn phí khi ở ký túc xá; tham gia học văn hóa miễn phí đến khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, những ưu đãi này vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với học sinh.
 
Nhằm tạo ra nguồn tuyển sinh phong phú hơn, để nhiều người biết đến các hình thức, ưu đãi trong đào tạo của nhà trường, vào tháng 7-2017 vừa qua, Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đã đưa vào thử nghiệm hoạt động trung tâm bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc. Trung tâm này được đặt ngay tại trường, do chính giáo viên của trường giảng dạy theo nhu cầu của người dân với mức học phí ưu đãi. Hiện có 30 người với đủ các lứa tuổi theo học.
 
Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi biểu diễn giao lưu với học sinh các trường học trong tỉnh mà đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, qua đó truyền bá âm nhạc truyền thống đến với mọi người; đồng thời góp phần rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho học sinh. Nhưng quan trọng là làm sao để người học âm nhạc truyền thống thấy được loại hình mà mình đang theo đuổi có nơi, có chốn để thực hành.
 
Theo Võ Tuyên/ Báo Đồng Nai
.