Gắn bó với người khuyết tật, trẻ em mồ côi suốt hơn 20 năm, ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Đà Nẵng đã thực hiện biết bao chương trình hỗ trợ những phần quà, hiện vật,… cho những mảnh đời kém may mắn. Tuy nhiên, điều vẫn làm ông vẫn luôn trăn trở là bằng cách nào có thể giúp đỡ những người khuyết tật về lâu về dài  để họ có được cuộc sống ổn định và tự lập.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông Long cùng với chị Trịnh Thị Ngân (cán bộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Đà Nẵng kiêm quản lý xưởng may) sau nhiều lần bàn bạc đã đi đến quyết định táo bạo thành lập cơ sở may công nghiệp cho người khuyết tật.

leftcenterrightdel
 Cơ sở may trực thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 2/2020

Gọi xưởng may cho sang, chứ thực tế cơ sở được cải tạo lại từ trường mầm non của địa phương không sử dụng. Để vận động được nhân lực tham gia xưởng may cũng như học nghề may không hề đơn giản.

“Nhiều gia đình khi được vận động đã từ chối cho con em tham gia xưởng may, bởi tâm lý chưa tin tưởng, sợ con mình không có khả năng trong việc may vá”. - Chị Trịnh Thị Ngân chia sẻ.

Trong đó có em bị động kinh, bố mẹ gần như chỉ để em ở nhà quanh năm. Chị Ngân lại lo chuyện “bao đồng”, ra sức thuyết phục và cuối cùng nhận được sự đồng ý của mẹ em cho con mình tham gia vào cơ sở với mong muốn giúp con mình có thể hòa đồng với mọi người hơn.

Chặng đường đi tìm “học trò” đã khó khăn rồi thì quá trình truyền nghề càng gian nan hơn. Bởi các em đến với xưởng may chủ yếu là  các bạn bị câm điếc, rất hạn chế trong việc giao tiếp, nên những ngày đầu chị Ngân phải bắt tay chỉ từng chi tiết.  Từ cắt đến may. Sau đó hướng dẫn từng em làm theo, tỉ mỉ từng chút…

 "Vô cùng khó trong việc chỉ dẫn các em, nhưng tôi thấy thương các em quá nên tự dặn lòng phải cố gắng. Có một điều nữa, mặc dù các em không nghe được hay nói chuyện như những người bình thường nhưng những giác quan khác sẽ thính nhạy hơn.

Dần dần, những đường kim, mũi chỉ chệch choạc ban đầu đã trở nên khéo léo hơn, khi làm việc họ tập trung cao độ và không bị tác động bởi những thứ xung quanh.

 Đến thời điểm hiện tại, từ đôi tay của những người không may khiếm khuyết, những sản phẩm may mặc đã dần thành hình với mẫu mã đẹp, đường nét sắc sảo, chất liệu tốt và giá cả vừa túi tiền." - chị Ngân vừa cười tươi vừa kể.

leftcenterrightdel
 Xưởng may được chia làm 2 nhóm, nhóm may sản phẩm đơn giản như khăn lau ô-tô, lau tàu xe và nhóm may sản phẩm cao cấp như áo khoác chống nắng, áo thun, áo phông… 

Cứ như thế,vượt qua những khó khăn ban đầu, cơ sở may trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 2/2020. Nhiều gia đình khó khăn có con khuyết tật đã tự nguyện đến xin cho con mình tham gia cùng. Hiện giờ tại cơ sở đã 20 em, đều là người trẻ trong độ tuổi đôi mươi. Những trường hợp các em ở xa tới, cơ sở đã tạo điều kiện để các em ở lại sinh hoạt cùng nhau.

Xưởng may được chia làm 2 nhóm, nhóm may sản phẩm đơn giản như khăn lau ô-tô, lau tàu xe và nhóm may sản phẩm cao cấp như áo khoác chống nắng, áo thun, áo phông… Đặc biệt, trung bình mỗi tháng xưởng may xuất được 3 tấn sản phẩm khăn lau xe ô-tô. Đây không chỉ là con số thể hiện được nỗ lực vượt qua hoàn cảnh các bạn trẻ mà còn là động lực khích lệ tinh thần làm việc của những người khuyết tật.

Cơ sở may cũng liên kết với một cơ sở khác ở Lạng Sơn giúp các em về khâu kĩ thuật, đồng thời cơ sở đã cho 5 học viên ra Lạng Sơn học nghề giúp các em thành thạo hơn. 5 em được đào tạo trong vòng 3 tháng, sau đó các em sẽ về dạy cho các học viên còn lại về các khâu như cắt, dập logo, thêu… Hội cũng đầu tư dàn máy in vải hiện đại lên cả trăm triệu để các em sau khi được đào tạo có thể trực tiếp thực hành in lên từng sản phẩm.

Hằng ngày mỗi em làm ra thành phẩm từ 20kg – 30kg khăn lau, và tất cả đều được chấm công với hình thức ghi trên một chiếc bảng nhỏ. Ai làm được bao nhiêu thì tự ghi vào đó, đến cuối tháng sẽ được trả công đúng với số lượng của mình làm ra. Tùy vào công việc, các em có thể nhận được mức lương từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Vừa tự mình viết vào tấm bảng, em Phan Công Khánh (17 tuổi) vừa cười tươi rạng rỡ khoe về số tiền 600 ngàn đồng em vừa nhận được trong tháng vừa rồi và đã mang về biếu hết cho mẹ. Khánh vào làm việc tại xưởng được 5 tháng. Vốn bị khiếm thanh nhưng Khánh rất chịu khó học, chăm chỉ theo sự hướng dẫn của thầy, của đồng nghiệp. Khi hỏi em làm việc ở đây thế nào? Khánh viết một chữ “VUI” thật to và chỉ vào những sản phẩm do chính tay em hoàn thành để khoe với mọi người.

leftcenterrightdel
 Hội cũng đầu tư dàn máy in vải hiện đại lên cả trăm triệu để các em sau khi được đào tạo có thể trực tiếp thực hành in lên từng sản phẩm.

Ngồi yên vị trước chiếc máy vắt sổ, em Trương Tuấn Anh (18 tuổi)  nhanh chóng đạp khởi động máy may, cẩn thận di chuyển mũi kim đều tay với niềm đam mê hiện rõ trên khuôn mặt.

Mặc dù bị câm điếc bẩm sinh và cũng mới chỉ vào xưởng may được mấy tháng nhưng Tuấn Anh đã sử thành thạo hầu hết các máy móc, biết làm các công đoạn may. Chiếc máy vắt sổ, mọi người e dè vì chạy nhanh nhưng Tuấn Anh đã sử dụng thuần thục. Bằng ngôn ngữ kí hiệu, vừa chỉ vào chiếc áo màu cam nổi bật đang mặc trên người, Tuấn Anh vừa khoe đây là áo do chính tay em may và  em cũng đã hoàn thành một cái để tặng ba trong ngày sinh nhật của ông.

Không chỉ có người trẻ, tại đây còn có cặp vợ chồng Trương Đình Tuấn – Bùi Thị Thùy Linh. Năm nay họ cùng 40 tuổi, chưa có con. Chân tay anh Tuấn đã yếu lả đi sau một tai nạn, chị Linh bị khiếm thanh, ở nhà may gia công nhưng đồng lương không đủ trang trải. Rồi họ có được niềm vui, sau khi được giới thiệu tham gia xưởng may. Có thêm số tiền ít ỏi, nhưng ổn định, hai vợ chồng đã vơi đi phần nào những phiền lo.

 “Đến bây giờ, vợ chồng mình đã làm được 2 tháng rưỡi. Đồng tiền không phải là tất cả, chỉ có được làm việc, được tự trang trải từ chính công sức, giọt mồ hôi của mình là niềm   hạnh phúc lớn nhất”, anh Tuấn chia sẻ.

“Mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng với nhiều người không phải số tiền lớn, nhưng đó là thành quả đáng ghi nhận, là cả mồ hôi, công sức miệt mài làm ra sản phẩm để có thể tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và là động lực để các em sống vui, sống tốt… ”, ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Tháng 7 vừa qua, Hội đã phối hợp với Chi hội Người khuyết tật phường An Khê khai trương cửa hàng may mặc tại địa chỉ 548 Trần Cao Vân, mở rộng cơ hội cho các sản phẩm của người khuyết tật đến rộng rãi hơn với thị trường. Hiện tại, sản phẩm cao cấp của xưởng cũng đã được Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) hỗ trợ tiêu thụ. Ô-tô Trường Hải, Đại học Kỹ thuật Y-Dược, một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố và nhiều cơ sở quan tâm đặt hàng.

Không chỉ cơ sở may công nghiệp người khuyết tật của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng mà đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn luôn có những cánh cửa rộng mở sẵn sàng đón chào những người khuyết tật trong sự sẻ chia ấm áp, tràn đầy. “Gia đình” ấy không chỉ là mái nhà chung ấm áp nghĩa tình để những con người cùng chung cảnh ngộ chia sẻ buồn vui, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đồng thời  mở ra nhiều cơ hội cho những mảnh đời kém may mắn biến những giấc mơ của mình thành hiện thực...

 

Lê Tâm