Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất và kinh phí dành cho công tác lưu trữ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn và khai thác, sử dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do được ban hành từ năm 2011 nên Luật Lưu trữ hiện hành chưa cập nhật những vấn đề mới trong thực tiễn công tác lưu trữ, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ năm 2011 là đòi hỏi của thực tiễn khách quan.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.

Về bố cục, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 6 chương, 55 điều (tăng 13 điều so với Luật Lưu trữ hiện hành), giữ nguyên 2 điều; sửa đổi, bổ sung 33 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 7 điều của Luật lưu trữ hiện hành.

leftcenterrightdel
 Công chức Phòng Lưu trữ thuộc Văn phòng VKSND tối cao trao đổi nghiệp vụ. (Ảnh minh hoạ)

Trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ. Trong đó, đối với quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử (Chương II), bao gồm các nội dung sau: Quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ tại cơ quan, tổ chức; quản lý tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử; quản lý tài liệu khi có sự thay đổi về tổ chức, đơn vị hành chính; quản lý tài liệu lưu trữ quý, hiếm; quản lý tài liệu lưu trữ tư.

Chương IV của dự thảo Luật quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ điện tử, trong đó quy định rõ quy định rõ Hệ thống quản lý tài liệu điện tử; tạo lập tài liệu lưu trữ điện tử; thu thập tài liệu lưu trữ điện tử; bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử; sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử; xác thực tài liệu lưu trữ điện tử; hủy tài liệu lưu trữ điện tử hết giá trị; kho lưu trữ số.

Các điều, khoản liên quan đến tài liệu lưu trữ điện tử trong dự thảo Luật đã được rà soát, tránh chồng chéo với các quy định trong luật chuyên ngành về giao dịch điện tử, an ninh mạng.

Mục 2 Chương II của dự thảo Luật khẳng định quyền sở hữu, quyền tác giả, quyền khác đối với tài liệu lưu trữ tư; quy định các nội dung về nguyên tắc sưu tầm và sử dụng tài liệu lưu trữ tư; sử dụng tài liệu lưu trữ tư; trưng dụng tài liệu lưu trữ tư; ký gửi, đăng ký, mua bán, trao đổi, tặng cho tài liệu lưu trữ tư; trưng dụng tài liệu lưu trữ tư và hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư. Những quy định này được xây dựng theo hướng vừa bảo đảm phát huy giá trị cua tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư.

Ngoài ra, Mục 5 Chương III của dự thảo Luật đã quy định về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo đó, có 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dự thảo Luật cũng quy định rõ cá nhân hành nghề lưu trữ phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định, đồng thời, quy định cụ thể điều kiện để cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ...

P.V