Ngày 20/10, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo quốc gia “Xây dựng kế hoạch hành động ngành thủy sản giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới sản xuất 40 triệu tấn nhựa, trong số đó 79% lượng rác thải nhựa đều thải ra bãi chôn lấp hoặc ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất với khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. Nhựa và nilong chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi nilong mỗi tháng. Mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilong ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia thảo luận tại  hội thảo quốc gia “Xây dựng kế hoạch hành động ngành thủy sản giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến ngành thủy sản và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe các sinh vật biển. Bên cạnh đó, bản thân ngành thủy sản từ khai thác và nuôi trồng cũng tác động vào nguồn rác thải nhựa đại dương này.

Thành phần các loại rác thải nhựa ở mỗi khu cũng rất đa dạng phụ thuộc vào hoạt động phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương nhưng số lượng nhiều nhất cả về số lượng và khối lượng vẫn là xốp nhựa, lưới đánh cá và dây thừng từ các hoạt động thủy sản.

Dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa. Rác thải nhựa sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường nói chung và các loài sinh vật biển nói riêng, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành. Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý rác thải nhựa  vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý rác thải nhựa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa của ngành thủy sản, nhiều kiến nghị đã được đưa ra như: Rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý rác thải nhựa, thực hiện, phối hợp nghiên cứu liên vùng, quốc gia, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tổ chức diễn đàn hàng năm chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan, tập huấn, truyền thông cho cộng đồng và điều phối dự án từ các nhà tài trợ. Quản lý rác đối với các tàu, thuyền (tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch, tàu hàng…), xử lý các ngư cụ, giảm thiểu số lượng ngư cụ mắc lại dưới biển trở thành rác…

leftcenterrightdel
 Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý rác thải nhựa  vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra định hướng quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản đến năm 2025. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu 50% rác thải nhựa địa phương, 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mắc hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom, 80% các khu du lịch.

Dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, bảo đảm tối thiểu một năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển, 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải.

Đây được xem là một trong những nỗ lực tích cực và cụ thể của Tổng cục Thủy sản trong cuộc chiến chống "ô nhiễm trắng” tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã báo cáo chi tiết về tình trạng ô nhiễm trắng tại 11 khu bảo tồn biển, nhằm cung cấp số liệu quan trọng góp phần định hướng các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa cho ngành thủy sản.

 

Lê Tâm