Cần quyết liệt truy cứu trách nhiệm
Theo phản ánh của đại diện tập thể công nhân Công ty Ắc-quy Kornam (Lô D, KCN Phúc Khánh, TP Thái Bình), dù công ty đã chính thức giải thể, chấm dứt hoạt động hơn ba năm nay (từ tháng 8/2020) nhưng họ không thể chốt được sổ BHXH. Lý do vì trước khi chấm dứt hoạt động DN còn nợ hơn 2 tỉ đồng tiền BHXH, đến nay vẫn chưa thanh toán cho BHXH tỉnh Thái Bình.
Không được thanh toán số tiền nợ BHXH nên hầu hết các chế độ liên quan của người lao động (NLĐ) tại công ty đều không được giải quyết. Đáng chú ý, có trường hợp nghỉ thai sản từ năm 2006, năm 2011 nghỉ làm tại công ty nhưng đến nay vẫn chưa được nhận chế độ thai sản. Một số người khi vào làm việc tại công ty phải đóng một khoản tiền bảo lãnh trách nhiệm, tuy nhiên đến nay cũng không được thanh toán…
|
|
DN nợ BHXH người lao động rất thiệt thòi. Ảnh minh hoạ. |
“Công ty đã thu tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Có những thời gian NLĐ phải bỏ ra đủ 100% số tiền đóng BHXH để đóng BHXH. Vậy nên đến thời điểm này, NLĐ không được chốt quá trình đóng BHXH là rất thiệt thòi”, đại diện NLĐ cho biết.
Liên quan vấn đề này, BHXH tỉnh Thái Bình thông tin, từ tháng 9/2010, Công ty Ắc-quy Kornam còn nợ hơn 2 tỉ đồng tiền đóng BHXH của 26 công nhân. Sau phản ánh của NLĐ, BHXH tỉnh đã nhiều lần tiến hành đòi nợ đối với công ty này; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế - Khu công nghiệp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết với số nợ này.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 17/10/2021, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã tổ chức gặp mặt, làm việc với 23 người nguyên là cán bộ, công nhân Công ty Ắc-quy Kornam để ghi nhận ý kiến, thu thập hồ sơ và hướng dẫn Công đoàn công ty, công nhân đề nghị mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Tuy nhiên, công nhân công ty không đồng ý mở thủ tục phá sản, bởi gần như toàn bộ tài sản có giá trị của công ty đã bị ngân hàng phát mại, DN khác đã mua lại. Trong khi đó, Tổng giám đốc công ty đã về Hàn Quốc, Phó Tổng giám đốc thì không nhận trách nhiệm. Việc mở thủ tục phá sản gần như không mang lại bất cứ quyền lợi gì cho họ.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì mức đóng BHXH bắt buộc do hai chủ thể có nghĩa vụ đóng là người sử dụng lao động và NLĐ, trong đó, người sử dụng lao động đóng tổng số 18%, NLĐ đóng tổng số 8%.
Phó Chánh văn phòng VKSND tối cao Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ, mục đích khác nên có nhiều DN, người sử dụng lao động đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm để có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc. Các thủ đoạn điển hình như: Một là, mặc dù không trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đối với quỹ BHXH nhưng trốn tránh nghĩa vụ này đối với NLĐ, chiếm đoạt phần BHXH bắt buộc của NLĐ đã bỏ ra. Hai là, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian mà pháp luật quy định. Ba là, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ nhưng hết thời hạn định kỳ mà pháp luật quy định (1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng) phải có nghĩa vụ đóng, nhưng người sử dụng lao động vẫn không chịu đóng mặc dù đã được thông báo hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Bốn là, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định với các trường hợp. Năm là, một số doanh nghiệp tuyển dụng NLĐ làm việc tại các vị trí đơn giản đã xác định chỉ sau một thời gian sử dụng lao động sẽ sa thải và tuyển mới các đối tượng lao động khác nên chỉ ký kết hợp đồng thời vụ hoặc trả lương không có hợp đồng lao động... Đồng thời, không kê khai, báo cáo về số lao động này và không đăng ký đóng BHXH để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc.
|
|
Ngày 9/8, những người lao động bị Công ty cổ phần Licogi chấm dứt hợp đồng lao động kéo băng rôn đi đòi quyền lợi chính đáng của mình. Ảnh Báo Tiền phong. |
Đại diện VKSND tối cao cũng đưa ra số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các DN như DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến NLĐ không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…
Lúng túng xử lý
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của DN để đôn đốc số nợ đọng BHXH đến gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ DN. NLĐ đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với NLĐ và chủ thể DN. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng triển khai sử dụng BHXH số. Hiện nay, tỷ lệ NLĐ được cài đặt ứng dụng VSSID hơn 90%. NLĐ có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT tại ứng dụng này. “Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các DN nợ bảo hiểm…”, ông Dương Văn Hào cho biết.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy, không những ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của NLĐ vào hệ thống BHXH. “Các DN trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều DN giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của DN”, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp. Lý giải nguyên nhân về việc công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của bốn luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không lưu ý đến sự thống nhất nên các đạo luật có sự mâu thuẫn. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải ủy quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung. “Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Dự thảo Luật BHXH đang được lấy ý kiến cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên… Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ ủy quyền. Ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ, vì vậy với Công đoàn không nên đặt ra vấn đề ủy quyền. Trong thực tế có nhiều DN có hàng nghìn, chục nghìn NLĐ, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn. “Không mong muốn hình sự hóa hành vi này, nhưng cố tình chây ỳ thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.